Vụ dùng keo dính tay công nhân: Doanh nghiệp chộp giật

Thứ năm, ngày 01/12/2011 15:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, thông thường các sự việc kiểu này thường chỉ diễn ra chủ yếu ở những DN làm ăn chụp giật, không có ý thức đầu tư lâu dài.
Bình luận 0

Ngày 30.11, trao đổi với phóng viên NTNN về vụ chủ quản A Vương làm việc tại Công ty Giày Hong Fu, Thanh Hoá hành hạ công nhân Lê Thị Phương (dùng keo 502 dính tay), ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết, ngay sau khi sự việc báo chí nêu, Thanh tra Bộ đã yêu cầu Sở LĐTBXH Thanh Hóa kiểm tra ngay sự việc.

"Dù chưa biết cụ thể mâu thuẫn giữa người quản lý nước ngoài với chị Phương như thế nào nhưng theo tôi, việc đổ keo vào tay khiến chị Phương phải vào viện là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm sự việc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động" - ông Tùng nói.

img
Chị Lê Thị Phương đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, TP. Thanh Hóa.

Theo ông Tùng, từ 1995 đến nay, từ khi có quy định cho phép lao động nước ngoài làm việc tại VN, chưa có thống kê cụ thể, chính xác về số vụ tranh chấp, xung đột giữa lao động nước ngoài với lao động Việt Nam, nhưng ước tính có khoảng trên dưới 20 vụ.

Cùng ngày, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cho hay, nhiều trường hợp tương tự như vụ việc của chị Phương đã xảy từ nhiều năm trước, nhưng hầu hết đều ở mức xử phạt hành chính và chỉ có một trường hợp duy nhất bị xử lý hình sự, phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo.

Qua những vụ việc chủ sử dụng lao động người nước ngoài hành hung lao động VN, ông Mai Đức Chính đánh giá: "Chính các DN cũng bị thiệt hại rất lớn bởi các vụ việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của DN mà còn khiến DN phải chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do lao động đình công, sản xuất ngừng trệ".

Theo ông Chính, thông thường các sự việc kiểu này thường chỉ diễn ra chủ yếu ở những DN làm ăn chụp giật, không có ý thức đầu tư lâu dài. Trong khi đó, quy trình hậu kiểm năng lực của DN còn yếu kém. Vì vậy, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thẩm định năng lực, khả năng của DN trước khi chấp thuận cho mở nhà máy tại Việt Nam.

Hành động thô bạo

Xử lý vụ việc này không thể dừng lại ở mối quan hệ hành chính giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cần ở mức cao hơn vì đây là hành động thô bạo, trái với pháp luật. Hành vi của ông Vương cố ý gây thương tích đối với người khác (ở đây là nữ giới), đề nghị cơ quan công an vào cuộc và nên đi giám định vết thương và xử lý hình sự thì mới đủ tính răn đe đối với các ông chủ quản người nước ngoài.

Trần Bích Phụng (Cao học 14 HV Hành chính Quốc gia TP.HCM)

Phải xử lý mạnh tay

Đây không phải là vụ việc đầu tiên và chắc chắn không là vụ cuối cùng công nhân của chúng ta đã bị đối xử và hành hạ như vậy. Thực trạng đang diễn ra hàng ngày đối với một số công ty nước ngoài. Đây là sự việc được khai báo còn những việc chưa khai báo thì sao? Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải làm mạnh tay với những hành động như trên. Nếu chúng ta không xử lý thích đáng thì sẽ có bao nhiêu công nhân Việt Nam bị ức hiếp nữa.

bantindonghanh@yahoo.com.vn

Đối xử như nô lệ

Keo dán sắt 502 là một chất rất nguy hiểm, có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người lao động. Trong khuyến cáo sử dụng keo 502 in trên tờ phơi kèm theo sản phẩm đã chỉ rõ: "Tuyệt đối không được để keo dính vào người ở bất kỳ vị trí nào". Thật không thể chấp nhận hành xử kiểu chủ nô đối với nô lệ như thế! Theo tôi cần phải xử lý nghiêm trường hợp này để làm gương cho người khác.

Ngọc Nam (Trường tiểu học Bến Củi, Dương Minh Châu, Tây Ninh) 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem