Vụ giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa nhận tiền phụ cấp: Giải "bài toán" trả 53 tỷ đồng hỗ trợ (Bài 3)

Lam Anh - Văn Hoàng Chủ nhật, ngày 07/11/2021 15:20 PM (GMT+7)
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Yên Bái thẳng thắn: "Trách nhiệm về việc chậm chi trả tiền chính sách cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật thuộc về Sở GDĐT tỉnh Yên Bái".
Bình luận 0

Vướng mắc nhất là chưa có kinh phí!

Như Báo NTNN/Dân Việt đã phản ánh, tại tỉnh Yên Bái, từ năm 2016 đến nay nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh khuyết tật chưa nhận được phụ cấp theo quy định của Nhà nước, dù năm nào địa phương cũng có báo cáo và được Sở GDĐT Yên Bái phê duyệt.

Sự việc được cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái viết đơn gửi Báo NTNN/Dân Việt.

Ngay sau khi Báo NTNN/Dân Việt phản ánh, về phía chính quyền địa phương, UBND huyện Lục Yên và Phòng GDĐT huyện Lục Yên, Phòng GDĐT huyện Mù Căng Chải đều cho rằng các thầy, cô đã làm đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên chưa có nguồn kinh phí phụ cấp cho các thầy, cô.

Vụ Giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa nhận được phụ cấp: Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phản ánh sự việc với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Văn Hoàng

Tại trụ sở Sở GDĐT tỉnh Yên Bái, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Vương Văn Bằng Giám đốc Sở GDĐT và các cán bộ của Sở.

Theo Sở GDĐT tỉnh Yên Bái, số trường có học sinh khuyết tật học hòa nhập là 292 trường; số lớp có học sinh khuyết tật là 1.161 lớp; Tổng số học sinh khuyết tật học hòa nhập là 1.449 học sinh.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về sự việc này, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GDĐT tạo tỉnh Yên Bái cho biết: "Phía Sở GDĐT có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT đều thực hiện chế độ chính sách từ cơ sở".

"Căn cứ vào việc các cô dạy như thế nào qua các cấp để thẩm định. UBND cấp huyện trình Sở GDĐT, sau đó Sở chỉnh sửa rồi trình Sở Tài chính, Sở Tài chính trình UBND tỉnh" - ông Bằng thông tin.

Đồng thời ông Bằng cũng cho biết thêm: "Sau khi trình Sở Tài chính thì Sở GDĐT đã phối hợp với Sở Tài chính có văn bản hỏi các bộ, ngành làm rõ như hỏi Bộ Tài chính, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên có bộ gửi lần thứ 2 mới trả lời, có bộ gửi rất lâu nhưng không trả lời".

Giám đốc Sở GDĐT khẳng định: "Đây là việc liên quan đến chế độ chính sách, Sở Tài chính trình rồi UBND tỉnh có Quyết định mới có nguồn. Nhưng hiện nay chưa có nguồn kinh phí để chi trả".

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, đến thời điểm hiện nay số tiền phụ cấp cần có để chi trả cho các thầy, cô đã hơn con số đã công bố trước đó (hơn 39 tỷ). Được biết, hiện các cấp liên quan đã thẩm định đến tháng 5/2021 với số tiền phải chi trả lên tới gần 53 tỷ đồng.

Vụ Giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa nhận được phụ cấp: Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái - Ảnh 3.

Văn bản báo cáo nhu cầu tài chính của UBND tỉnh Yên Bái gửi Bộ Tài chính với số tiền lên tới hơn 39 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2020, đến nay số tiền cần có đã lên đến gần 53 tỷ đồng. Ảnh: Lam Anh

Người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái cho rằng do Yên Bái là tỉnh nghèo chưa có nguồn kinh phí để chi trả, riêng Sở đã làm đúng trách nhiệm của mình hàng năm đề xuất với cấp trên… "Chúng tôi rất quan tâm rất băn khoăn, vì mấy năm liền có những cô có chế độ đã nghỉ hưu. Cũng mong muốn sớm có kinh phí để thầy, cô được hưởng, đó cũng là trách nhiệm của Sở GDĐT" - ông Bằng nói.

Trách nhiệm của ai khi giáo viên chưa nhận được tiền hỗ trợ?

Trước thông tin phản ánh của các thầy, cô, Sở GDĐT tỉnh Yên Bái đã tìm hiểu ở các địa phương khác. Quá trình tìm hiểu cho thấy có những tỉnh đưa vào chi thường xuyên, có những tỉnh chậm một vài năm sau đó mới chi trả.

Theo Sở GDĐT tỉnh Yên Bái, ngoài trách nhiệm của Sở về việc chậm chi trả tiền chính sách với các thầy, cô thì Sở Tài chính cũng có phần trách nhiệm trong sự việc này.

Được biết, Sở GDĐT tỉnh Yên Bái đã có những thông tin, trao đổi với Sở Tài chính tỉnh Yên Bái nhiều lần trong thời gian qua. Trao đổi trực tiếp tại trụ sở với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, bà Đồng Thị Anh Ngọc, Phó phòng Tiểu học (Sở GDĐT Yên Bái) cho biết: "Phía Sở đã có các tờ trình và những buổi trao đổi trực tiếp với Sở Tài chính".

Tổng số tiền chưa chi trả từ 2016 đến tháng 5/2021 là gần 53 tỷ đồng

Theo GDĐT tỉnh Yên Bái, từ năm 2012 - 2015 đã chi trả phụ cấp cho 4.842 lượt nhà giáo bằng ngân sách địa phương với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Từ 2016 đến hết tháng 5/2020 Sở GDĐT đã tổ chức thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét chi trả chế độ đối với 12.006 lượt giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo phương thức Giáo dục hướng nghiệp với số tiền gần 39,5 tỷ đồng (chưa chi trả). Từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 Sở GDĐT đã tổ chức thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét chi trả chế độ cho 4.219 giáo viên với tổng kinh phí gần 13,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Lê Quốc Toản, Chánh Văn phòng Sở GDĐT tỉnh Yên Bái thông tin thêm rằng: "Chúng tôi thực hiện theo Nghị định, còn Sở Tài chính trình UBND tỉnh. Sở đã báo cáo, có ý kiến, có các cuộc trao đổi chứ không chỉ gửi văn bản".

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã liên hệ với lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Yên Bái để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên lãnh đạo phụ trách lĩnh vực của đơn vị đang bận họp tại UBND tỉnh và đề nghị phóng viên để lại nội dung Sở Tài chính sẽ trả lời.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng ngày 31/12, cô giáo Nguyễn Thị Thủy đặt ra câu hỏi: "Tại sao Nghị định của Chính phủ đã có, nhưng những người liên quan không thực hiện, ai chịu trách nhiệm trả tiền cho chúng tôi? Người không thực hiện đúng theo Nghị định có phải vi phạm pháp luật không? Những người như thế có gọi là hoàn thành nhiệm vụ không?".

Trước đó, Báo NTNN/Dân Việt nhận được phản ánh của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về việc nhiều giáo viên chưa được nhận phụ cấp trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh khuyết tật từ khoảng năm 2016 đến nay.

Vụ Giáo viên dạy học sinh khuyết tật chưa nhận được phụ cấp: Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái - Ảnh 5.

Bà Thủy cho rằng mình thực hiện đúng theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Văn Hoàng

Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 về phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, bà Thủy cùng nhiều giáo viên khác thuộc đối tượng hằng năm được nhận phụ cấp ưu đãi.

Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cũng thể hiện rất rõ chế độ phụ cấp mà các thầy, cô được hưởng.

Được biết, năm 2019 sau nhiều lần "kêu cứu" vì không được nhận tiền đứng lớp trực tiếp dạy học sinh khuyết tật như chính sách của Nhà nước quy định, bà Thủy và nhiều giáo viên khác đã nhận được tiền khuyết tật từ 2012 đến năm 2015. Còn số tiền từ năm 2016 đến nay chưa được nhận.

Báo NTNN/Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem