Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng

Cao Hùng Thứ ba, ngày 05/04/2022 14:52 PM (GMT+7)
Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi quyết định trái luật. Qua xác minh của Bộ TNMT đã lộ ra các bất thường trong vụ bê bối này, khiến Công ty Thuận Hưng lao đao, bị o ép trong nhiều năm.
Bình luận 0

"Tiền hậu bất nhất" để thiên vị cho doanh nghiệp tư nhân ?

Báo Dân Việt đã đăng loạt bài "Hoán đổi đất, 25 năm đất vẫn chưa đến tay doanh nghiệp" (3/12/2019). Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã có công văn số 14061-CV/VPTU ngày 19/12/2019 chỉ đạo về vụ việc trên.

Ngày 24/12/2019, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản "khẩn" số 12032/VP-ĐT gửi các Sở, ngành liên quan, yêu cầu xác minh và xử lý thông tin trên báo Dân Việt phản ánh, liên quan đến việc sử dụng đất của Công ty Thuận Hưng.

Với sự tham mưu của Sở TNMT (do ông Đào Anh Kiệt đứng đầu), ông Nguyễn Hữu Tín – lúc đương chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã ra Quyết định số 6525/QĐ-UBND ngày 8/12/2015, thu hồi hơn 8,3ha đất thuộc dự án của Công ty Thuận Hưng để giao cho Công ty cổ phần Bình Điền, gây thiệt hại nặng nề cho Công ty Thuận Hưng.

Với sự vào cuộc xác minh của Bộ TNMT đã làm rõ những khuất tất, bất thường xung quanh việc ban hành Quyết định số 6525/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của ông Nguyễn Hữu Tín.

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 1.

Khu đất 8,3ha thuộc dự án Kho nông sản của Công ty Thuận Hưng kề sát Trung tâm thương mại Bình Điều (do SATRA làm chủ đầu tư). Ảnh: Cao Hùng

Theo văn bản số 537/BTMT-TTr ngày 1/2/2021 của Bộ TNMT, lấy lý do Công ty Thuận Hưng thế chấp quyền sử dụng khu đất 83.847m2 đất vay nợ ngân hàng, nên Văn phòng UBND TP.HCM đã ra văn bản số 150/TB-VP ngày 14/3/2006, yêu cầu Công ty Thuận Hưng bán khu đất trên cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) để trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, sau chỉ đạo bán đất trên của UBND TP.HCM, Sở KHĐT đã cảnh báo: "Do 83.847m2 là đất thuê, chưa có tài sản trên đất, việc chuyển nhượng đất sẽ vi phạm khoản 2, Điều 110 – Luật Đất đai năm 2003".

Mặt khác, trên thực tế SATRA (100% vốn nhà nước) không phải là người mua đất của Công ty Thuận Hưng (theo chỉ đạo của UBND TP.HCM), mà người mua đất lại là Công ty cổ phần Bình Điền (71% vốn của Việt kiều Mỹ, 29% vốn của SATRA) – doanh nghiệp mới thành lập được gần 1 năm, sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo Công ty Thuận Hưng bán đất cho SATRA. Việc SATRA cho Công ty Bình Điền đứng ra mua đất của Công ty Thuận Hưng cũng trái chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Song, bất chấp cảnh báo chuyển nhượng đất trái luật, cuối năm 2009, Công ty Bình Điền đã chuyển 149,5 tỷ đồng (trong tổng số 186 tỷ đồng) cho Công ty Thuận Hưng trả nợ ngân hàng.

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 3.

Một góc khu đất 8,3ha của Công ty Thuận Hưng đang được Công ty Bình Điền tạm quản lý. Ảnh: Cao Hùng

Nhằm khắc phục hậu quả của việc làm sai luật, tại nhiều văn bản trong trong năm 2012-2013, SATRA đã đề nghị UBND TP.HCM chấp nhận phương án: SATRA không nhận 83.847m2 đất, Công ty Thuận Hưng nhận lại đất để tiếp tục thực hiện dự án kho dự trữ nông sản. Đồng thời, Công ty Thuận Hưng hoàn trả lại Công ty Bình Điền 149,5 tỷ đồng.

Tiếp theo, Sở TNMT cũng có văn bản đồng tình với đề nghị trên của SATRA. SATRA, Công ty Thuận Hưng và Công ty Bình Điền đã họp bàn, thống nhất Công ty Thuận Hưng nhận lại 83.847m2 đất để tiếp tục thực hiện dự án và hoàn trả 149,5 tỷ đồng cho Công ty Bình Điền.

Ngày 5/6/2013, UBND TP.HCM có văn bản số 2729/UBND-TM đồng ý cho Công ty Thuận Hưng nhận lại 83.847m2 đất và hoàn trả tiền cho Công ty Bình Điền.

Tưởng như mọi việc giải quyết xong; thế nhưng, trong lúc Công ty Thuận Hưng thu xếp các bước thực hiện dự án kho dự trữ nông sản và trả tiền (149,5 tỷ đồng) cho Công ty Bình Điền, thì UBND TP.HCM, Sở TNMT, SATRA… lại đổi ý (mâu thuẫn với quan điểm của chính các cơ quan này trước đây), không muốn cho Công ty Thuận Hưng nhận lại 83.847m2 đất.

Và, tiếp tục ý định… tạo điều kiện cho Công ty Bình Điền "được nhận chuyển nhượng quyền thuê đất đối với khu đất 83.847m2 trong Khu thương mại Bình Điền mà Công ty Thuận Hưng đang thuê"(?).

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 5.

Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) góp 29% vốn tại Công ty cổ phần Bình Điền, 71% vốn còn lại thuộc các cá nhân là Việt kiều Mỹ. Ảnh: Cao Hùng

Tháng 6/2015, từ đề xuất "quay xe" của SATRA, các sở, ngành TP.HCM gồm: Sở Tài chính, Sở TNMT, Ban Quản lý khu Nam… đã đồng loạt ra các văn bản "hưởng ứng" đề xuất của SATRA.

Sau nhiều văn bản hồi đáp thuận tình với các sở, ngành; cuối cùng, ngày 8/12/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ban hành Quyết định số 6525/QĐ-UBND, về việc thu hồi 83.847m2 đất của Công ty Thuận Hưng và cho Công ty Bình Điền thuê để đầu tư xây dựng khu kho thương mại.

Với Quyết định số 6525 nói trên, UBND TP.HCM đã tự… mâu thuẫn với quyết định của chính UBND TP.HCM tại văn bản số 2729/UBND-TM ngày 5/6/2013, là "đồng ý cho Công ty Thuận Hưng nhận lại 83.847m2 đất và hoàn trả tiền cho Công ty Bình Điền".

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 6.

Mặt tiền Trung tâm thương mại Bình Điền do SATRA làm chủ đầu tư. Ảnh: Cao Hùng

Phủ định Quyết định của Chính phủ?

Cần biết rằng, dự án Kho dự trữ nông sản của Công ty Thuận Hưng được thai nghén từ năm 1992 – trước khi UBND TP.HCM ra ý tưởng thành lập Khu thương mại Bình Điền hơn 10 năm.

Từ năm 1992, Công ty Thuận Hưng đã tự bỏ tiền bồi thường, chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất của 27 hộ dân và Hợp tác xã Phú Sơn, để có được hơn 10ha đất sạch làm dự án.

Ngày 3/5/1996, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã ban hành công văn số 2086/KTN, gửi UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, công văn này khẳng định: "Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Công ty TNHH chế biến nông hải sản Thuận Hưng đầu tư xây dựng Tổng kho Thuận Hưng tại phường 7, quận 8, TP.HCM với diện tích chiếm đất là 10,6ha, tổng vốn đầu tư là 192.282 triệu đồng".

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 7.

Từ tháng 8/1996, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương đã ra Quyết định số 558, cho phép Công ty Thuận Hưng được thuê đất làm dự án. Ảnh: Cao Hùng

Ngày 19/8/1996, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 558/TTg, về việc cho Công ty TNHH chế biến nông hải sản, thương mại, xây dựng Thuận Hưng thuê đất để xây dựng khu chế biến nông hải sản và kho bảo quản lương thực tại TP.HCM.

Theo đó, Chính phủ quyết định: "Thu hồi 106.375m2 đất thuộc phường 7, quận 8, TP.HCM và cho Công ty TNHH chế biến nông hải sản, thương mại, xây dựng Thuận Hưng thuê 100.599m2 đất trong diện tích đất thu hồi trên để đầu tư xây dựng khu chế biến nông hải sản và kho bảo quản lương thực"… Thời hạn thuê đất là 30 năm, kể từ ngày ký quyết định cho thuê đất.

Thế nhưng, bỏ qua Quyết định số 558/TTg của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vẫn ra Quyết định số 6525/QĐ-UBND ngày 8/12/2015, thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng để giao cho Công ty Bình Điền thuê đất.

Vụ “hoán đổi đất” ở TP.HCM: Hé lộ bất thường trong quyết định thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng - Ảnh 8.

Một phần khu đất 8,3ha được Công ty Bình Điền san lấp, làm một số công trình, dù rằng khu đất 8,3ha vẫn do Công ty Thuận Hưng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Cao Hùng

Với Quyết định 6525, khác nào UBND TP.HCM đã phủ định Quyết định số 558 của Chính phủ ban hành từ năm 1996?

Luật sư Đặng Anh Đức – Giám đốc Công ty luật TNHH Đặng và cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Quyết định của Chính phủ là tối thượng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hành pháp. Ở đây, quyết định của UBND TP.HCM trái ngược với quyết định của Chính phủ là không thể chấp nhận. Theo nguyên tắc về ban hành văn bản, thì cấp nào ban hành văn bản, cấp đó có thẩm quyền thu hồi, nếu văn bản ban hành không đúng quy định luật pháp.

Với văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành, nếu luật không cho phép UBND các tỉnh, thành điều chỉnh, thì UBND các tỉnh, thành phải có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp này, UBND TP.HCM ra quyết định trái ngược với quyết định của Chính phủ mà không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định của luật pháp".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem