Sáng ngày 11/9/2001, người Mỹ thức dậy, hòa mình vào guồng quay hối hả của cuộc sống và không ai có thể tưởng tượng được rằng, họ sắp phải chứng kiến cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến đất nước này thay đổi mãi mãi.

Những hình ảnh ám ảnh không thể nào quên

img
img
img
img

Biển khói lửa tràn ra từ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York sau khi bị đâm bởi phi cơ do không tặc khống chế.

Thời khắc kinh hoàng bắt đầu từ 8h46 phút sáng 11/9/2001 (giờ địa phương), 19 tên không tặc chiếm được 4 máy bay chở khách của Mỹ đang hướng đến các địa điểm ở khu vực bờ biển phía Tây nước Mỹ. 2 phi cơ lao vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, chiếc thứ 3 đâm trúng Lầu Năm Góc và chiếc thứ 4 rơi xuống cánh đồng ở Pennsylvania.

img
img
img

Đây là những hình ảnh vô cùng ám ảnh, đau thương khi các nạn nhân bị treo lơ lửng trên những ô cửa sổ, nhảy khỏi hoặc bị rơi xuống từ tòa tháp đôi đang bốc cháy ngùn ngụt ngày 11/9/2001.

Vụ khủng bố 11/9/2001 đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.

img
img
img
img

Vụ khủng bố gây ra nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe lẫn tinh thần đối với người dân New York nói riêng và người Mỹ nói chung.

Các nhân viên cứu hỏa đã phải mất hơn 100 ngày để dập tắt hoàn toàn các đám cháy trong vụ khủng bố này. Các phương tiện giao thông không nhằm mục đích cứu hộ bị cấm đi vào các con đường ở khu vực hạ Manhattan trong suốt thời gian này.

Trong số những người thiệt mạng ở các vụ tấn công đầu tiên và do tòa tháp đôi bị sập, có 343 người là lính cứu hỏa New York, 23 người là sĩ quan cảnh sát thành phố New York và 37 người là sĩ quan thuộc lực lượng quản lý cảng.

img
img
img
img

Lính cứu hỏa tại hiện trường vụ khủng bố.

Không lâu sau khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York đổ sập, Tổ chức khủng bố Al-Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm và bị xác nhận là những kẻ chủ mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc.

Đáng chú ý, 15 trong số 19 tên không tặc đến từ Ả Rập Saudi trong khi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon – các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông.

img
img

Chân dung trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden (trái) và 5 thành viên Al-Qaeda (phải) gây ra vụ khủng bố 11/9 bị đưa ra xét xử năm 2012.

Tháng 4/2011, lực lượng biệt kích SEAL của Mỹ đã đột kích vào khu trú ẩn của trùm khủng bố bin Laden ở ngoại ô thị trấn Abbottabad phía tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad chỉ 100 km, tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9, kết thúc chiến dịch săn lùng tên này suốt một thập kỷ.

Trong suốt quá trình diễn ra phiên xét xử, 5 kẻ tình nghi khủng bố chỉ nhìn xuống đất. Hai trong số đó đọc cuốn sách như kinh Koran đồng thời 5 nghi phạm truyền tay nhau cuốn tạp chí The Economist để đọc. "Bị cáo từ chối trả lời", thẩm phán James Pohl nói đi nói lại câu đó mỗi khi một bị cáo không đáp lại câu hỏi.

Trong khi đó, năm 2012, một tòa án quân sự đặc biệt được mở ra để xét xử những tên khủng bố còn sống sót sau thảm kịch 11/9. Khalid Sheikh Mohammed, 47 tuổi, cùng 4 thành viên Al-Qaeda khác bị cáo buộc với hàng loạt các tội danh bao gồm "lên kế hoạch và tấn công dân thường, giết người, phạm tội chiến tranh, phá hoại tài sản, cướp máy bay và khủng bố".

Với vai trò của mình trong mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, nhóm này đã lên kế hoạch để các đồng phạm cướp các máy bay lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một địa điểm tại bang Pennsylvania.

Những bí ẩn chưa có lời giải

-Vì sao các tòa tháp sụp đổ nhanh như vậy?

Dư luận băn khoăn rằng, các kỹ sư đã thiết kế để tòa tháp đôi chịu được lực tác động của một chiếc máy bay thương mại. Tuy nhiên, cả hai tòa tháp đều sụp đổ trong vòng 2 giờ sau khi bị máy bay chở khách đâm trúng. Từ đó, một số người đặt câu hỏi, liệu các tòa tháp có bị cài đặt chất nổ trước khi bị máy bay đâm vào hay không. Thế giới thực sự có thể không bao giờ biết được vì sao mà những tòa tháp được thiết kế tối ưu này lại sụp đổ nhanh chóng như vậy.

img
img
img

Ground Zero (Vùng đất số không) là nơi 2 tòa tháp sụp đổ. Về sau, trên chính vùng đất này, người Mỹ đã xây đài tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

- Vì sao Mỹ cho phép người thân trùm khủng bố Osama bin Laden rời nước Mỹ vài ngày sau vụ 11/9?

Câu hỏi đầu tiên được dư luân đặt ra sau vụ khủng bố đẫm máu, đó là lý do Washington cho phép rất nhiều công dân Saudi Arabia, bao gồm nhiều người trong gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden, rời nước Mỹ vài ngày sau vụ 11/9.

Báo cáo của Ủy ban 11/9 cho biết, sau khi không phận New York mở cửa trở lại, một chiến dịch đưa người Saudi Arabia rời khỏi Mỹ đã được tiến hành: 6 chuyến bay chở khoảng 140 công dân Saudi Arabia đã rời Mỹ từ ngày 14 đến 24/9/2001. Trong số đó, chuyến bay cất cánh ngày 20/9 chỉ chở 26 khách, phần lớn được cho là họ hàng của tên trùm khủng bố Osama bin Laden.

Ngay sau khi thông tin về việc này bị lộ lọt, Richard Clarke, người phụ trách đội xử lý khủng hoảng ở Nhà Trắng khẳng định hành động của Washington là bắt buộc và hợp lý. Theo Clarke, việc để những người Saudi Arabia trong đó có họ hàng của Bin Laden trở về quê hương nhằm giúp họ tránh khỏi làn sóng trả thù của những người quá khích trong nước.

Tuy nhiên, sự việc lại khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc vì những người có thể cung cấp thông tin nhiều nhất cho nhà điều tra lại được phép rời khỏi nước Mỹ.

- Chính phủ Mỹ đã bỏ qua những lời cảnh báo trước đó?

img
img

Tổng thống Mỹ nhận tin về vụ khủng bố 11/9 khi đang ngồi nghe các em học sinh đọc truyện khi ông tới thăm một trường học ở Florida.

Trước khi xảy ra vụ 11/9, đã có một số sự kiện có dấu hiệu cho thấy những kẻ khủng bố sắp tấn công quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ. Trong số đó có thể kể tới vụ đánh bom ở Trung tâm thương mại thế giới năm 1993, vụ đánh bom ở Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998 và vụ tấn công nhằm vào chiến hạm USS Cole của Mỹ ở Yemen.

CIA thậm chí đã từng theo dõi tung tích của của một số tên không tặc tiến hành vụ khủng bố 11-9 khi chúng đặt chân tới Mỹ trước đó và xếp chúng vào danh sách đen cần lưu ý đặc biệt.

Tuy nhiên, vì lý do nào đó, các cơ quan chức năng Mỹ đã không kịp thời xử lý các thông tin tình báo này để ngăn thảm họa xảy ra.

- Chính quyền Bush đã né tránh điều tra toàn diện vụ 11/9?

Vụ khủng bố 11/9: Hiện trường thảm khốc và những bí ẩn chưa có lời giải - Ảnh 10.

Tổng thống Mỹ George W. Bush nói qua loa tại đống đổ nát ở tòa tháp đôi tại New York.

Phải sau một khoảng thời gian dài đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt, Tổng thống George W. Bush mới phê chuẩn việc thành lập ủy ban điều tra, người phụ trách là Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Theo giới quan sát, việc Nhà Trắng không thành lập ủy ban điều tra toàn diện là để né tránh lỗ hổng của lực lượng an ninh và tình báo Mỹ.

- Cuộc tấn công có thể đã được ngăn chặn trước?

img
img
img
img

Nhiều người đặt câu hỏi, vụ tấn công 11/9 có thể đã được ngăn chặn trước.

CIA đã chặn thông tin liên quan đến một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra trong cả năm 2000 và 2001 nhưng thông tin này lại không được chuyển tới FBI. Mark Rossini, một trong hai đặc vụ FBI được giao nhiệm vụ kết nối với đơn vị theo dõi Osama bin Laden của CIA đã phải thốt lên rằng: "“Rõ ràng là các cuộc tấn công này lẽ ra không được xảy ra".

Ngoài ra, một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9 xảy ra, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của chính phủ Mỹ cũng chặn được hai liên lạc đều từ Afghanistan đến Ả Rập Saudi. Một người nói, "Ngày mai 0 giờ". Người kia nói: "Cuộc chơi bắt đầu vào ngày mai".

Những thông điệp này đã không được dịch cho đến ngày 12/9, theo CNN. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi tại sao NSA không dịch những thông điệp trên? Họ đã làm gì vào ngày hôm đó? Trong khi, kể từ ngày 23/8/2001, CIA đã phát đi cảnh giác cao độ rằng một cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda sắp xảy ra.

Thực hiện: Phương Dung
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem