Vụ nữ tiếp viên hàng không bị tông: Người nhà, công chứng viên có được phép gặp bị can làm thủ tục?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 23/04/2021 15:53 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trong thời gian bị can, bị cáo bị tạm giam, ngồi tù vẫn còn nguyên quyền tài sản và họ có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế dù là bất động sản hay là động sản.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, chiều 22/4, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận để điều tra, xét xử lại vụ án Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, liên quan đến bị cáo Nguyễn Trần Hoài Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM).

Bị cáo Phong là người lái chiếc xe Mercedes tông chết một tài xế Grabbike và làm nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Hường gãy chân, mang thương tật 79%.

Trước đó, trong quá trình thụ lý hồ sơ phúc thẩm, VKSND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh, bổ sung các tài liệu chứng cứ về việc mẹ bị cáo Phong cùng công chứng viên đến trại tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo, nhằm tẩu tán tài sản.

Trường hợp nào bị cấm vào gặp bị can trong tù?

Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, đối với người bị tạm giam, tạm giữ 1 lệnh (tối đa 3 ngày) sẽ được gặp người thân 1 lần. 

Trường hợp bị tạm giữ hình sự tối đa 3 lệnh (9 ngày), được gặp tối đa 3 lần trong thời gian này.

Đối với bị can bị tạm giam, 1 tháng được gặp người thân 1 lần, kể từ thời điểm bắt đầu bị tạm giam. Quyền này cũng có thể phát sinh trong cả các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố, xét xử.

Còn theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các trường hợp không được thăm người bị tạm giữ, tạm giam bao gồm: Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; Người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn; Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ; Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác; Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp.

Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên; Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật.

Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có quyền không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam nhưng phải nêu rõ lý do không cho gặp cho người yêu cầu đến thăm.

Ngoài ra, Luật sư Tuấn Anh cũng cho hay, người đang bị tạm giam hay vừa bị tuyên án sơ thẩm, thậm chí là đang chấp hành hình phạt tù sẽ không bị mất đi quyền về tài sản hay một quyền nào khác. Họ chỉ bị hạn chế về mặt tự do, không thể tự do đi lại.

Họ hoàn toàn có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế dù là bất động sản hay là động sản, kể cả tiền đang ở ngân hàng (trừ trường hợp tài sản của họ do phạm tội mà có). 

Khi họ có yêu cầu sẽ báo cáo với người quản lý trạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng… Lúc này, người nhà hoặc công chứng viên có thể sẽ vào tận trại giam để làm các thủ tục công chứng, chứng thực nếu thấy cần thiết.

Vụ nữ tiếp viên hàng không bị tông: Tài xế Mercedes sang tên căn hộ khi bị tạm giam có đúng luật? - Ảnh 1.

Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường tại tòa sáng 22/4. Ảnh: Quang Phương

"Như vậy, trong vụ việc trên, bị cáo Nguyễn Trần Hoài Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn có quyền chuyển nhượng tài sản nếu như tài sản đó không phải do vi phạm pháp luật mà có. 

Việc công chứng viên đến trại tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo cũng phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, cơ quan điều tra hoặc Toà án không có quyền tự mình kê biên, phong toả đối với tài sản nào đó nếu không có căn cứ chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Bởi vậy, trong vụ việc trên, nếu như phía bị hại là cô tiếp viên hàng không làm đơn đề nghị Toà án xác minh, phong toả tài sản của bị cáo Phong để tránh việc tẩu tán tài sản, nhằm đảm bảo thi hành án thì lúc này Toà án mới tiến hành việc phong toả. 

Tòa không được phép kê biên tài sản, kê biên tài sản chỉ áp dụng trong trường hợp do phạm tội mà có. Còn trường hợp người bị hại không có yêu cầu phong toả tài sản thì không cơ quan nào thực hiện việc phong toả tài sản.

Kê  biên  tải  sản  chỉ  áp  dụng với bị  can  do  phạm  tội  mà  có

Ngoài ra, theo quy định tại điều 4 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2013 quy định, khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

Vụ nữ tiếp viên hàng không bị tông: Tài xế Mercedes sang tên căn hộ khi bị tạm giam có đúng luật? - Ảnh 3.

Luật sư Trần Tuấn Anh, (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Người bị tạm giam, giữ vẫn được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trong đó có quyền chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp  đó là tài sản bị kê biên theo quyết định của Tòa án quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2013.

Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật… 

Chẳng hạn như việc tịch thu các tài sản do vi phạm pháp luật mà có của ông trùm đánh bạc online Phan Sào Nam; hoặc trường hợp tịch thu nhà của Trịnh Xuân Thanh.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, trong trường hợp việc chuyển giao tài sản phải có chữ kí của người đang bị tạm giam, giữ và phải công chứng theo quy định của pháp luật thì việc công chứng có thể diễn ra ngay tại nhà tù theo quy định tại khoản 2, Điều 44 Luật công chứng 2014.

Trong đó, quy định này nêu rõ : "Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem