Vụ ô nhiễm nước Sông Đà: Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát an toàn hồ Đầm Bài

Trần Kháng Thứ hai, ngày 28/10/2019 13:27 PM (GMT+7)
Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát đánh giá toàn diện khả năng bảo đảm an toàn nguồn nước hồ Đầm Bài…, quản lý rủi ro cho các hoạt động từ bảo vệ nguồn nước, vận hành nhà máy nước.
Bình luận 0

Liên quan đến sự việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, khi xảy ra sự ô nhiễm nguồn nước sông Đà ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho hơn 250 ngàn hộ dân Thủ đô, Bộ Xây dựng đã giao Cục Hạ tầng kỹ thuật tổ chức đoàn công đi kiểm tra, khảo sát thực tế.

Theo đó, ngày 14/10, Đoàn công tác đã làm việc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà. Tham gia Đoàn công tác có đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Hòa Bình.

Sau khi khảo sát và xác định nguyên nhân sự số ô nhiễm nguồn nước, tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện ngay các giải pháp khắc phục.Về giải pháp lâu dài để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, Bộ Xây dựng đề nghị cụ thể.

Đối với, công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà: Chủ động báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các nội dung về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại: Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD: Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ; Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bảo vệ nhà máy nước Vinaconex kèm theo phương án số 221A/PABV-VIWASUPCO ngày 25/6/2014 của Công ty CP nước sạch Vinaconex.

img

Bộ Xây dựng đề nghị rà soát đánh giá toàn diện khả năng bảo đảm an toàn nguồn nước hồ Đầm Bà

Chủ động tổ chức lập và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, quản lý rủi ro cho các hoạt động từ bảo vệ nguồn nước, vận hành nhà máy nước, mạng đường ống đến khách hành tiêu thụ nước; Xây dựng các giải pháp dự phòng nguồn nước (bể trữ nước sạch tại nhà máy và trên mạng truyền tải), kết nối vùng phục vụ cấp nước của nhà máy nước sông Đà với các nhà máy nước khắc nhằm hỗ trợ cấp nước khi gặp sự cố…

Rà soát đánh giá toàn diện khả năng bảo đảm an toàn nguồn nước hồ Đầm Bài, nghiên cứu các phương án dự phòng đảm bảo điều kiện an toàn, kinh tế, kỹ thuật, tính khả thi, lộ trình thực hiện; báo cáo UBND TP.Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình để xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định.

Đối với Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình và Sở Xây dựng Hà Nội: Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khẩn trương xây dựng trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Chương trình và kế hoạch cấp nước an toàn.

Chỉ đạo các công ty cấp nước lập và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn của công ty trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên địa phương thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức kiểm tra giám sát tổ chức thực hiện; Tổ chức xây dựng mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp nước, mạng lưới đảm bảo cân đối các nguồn nước khắc phục sự cố trong quá trình vận hành.

Đối với UBND tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội: UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo lập và thực hiện chương trình cấp nước an toàn trên địa bàn; UBND TP Hà Nội tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 148/KH-UBND ngày 23/6/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn TP Hà nội giai đoạn 2017 – 2020.

Xây dựng cơ chế phối hợp tăng cường phối kết hợp trong hoạt động bảo vệ nguồn cấp nước liên tỉnh.Chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát trong qua trình thưc hiện. Báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện.

Cũng theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật , thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9403a/VPCP-CN ngày 15/10/2019 của Văn phòng Chính phủ giao: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân".

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện các hoạt động như: Tăng cường rà soát các văn bản quy phạm phát luật liên quan đến cấp nước, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư số 08/2012/TT-BXD về hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toan và Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 của các địa phương, các đơn vị cấp nước.

Được biết, từ năm 2005 đến nay, do Nhà máy nước sạch Sông Đà chưa xây dựng được hồ chứa đủ lớn để phục vụ công suất 300.000 m3 nước/ngày đêm nên hồ Đầm Bài được mượn để làm hồ chứa. Công ty nước sạch Sông Đà hứa sau khi nâng công suất dự án lên gấp đôi ở giai đoạn 2, sẽ nâng cấp và xây kênh dẫn nước đúng tiêu chuẩn thì trả lại hồ Đầm Bài. Tuy nhiên, đến nay, giai đoạn 2 của dự án sắp xong, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa trả lại hồ Đầm Bài. 

Tại buổi làm việc với Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà ngày 25/10 vừa qua, tỉnh Hòa Bình nêu rõ để đảm bảo an toàn nguồn nước, trước mắt cũng như về lâu dài, công ty nước sạch Sông Đà cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy, không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài để sản xuất nước sạch.

Đồng thời, Hòa Bình yêu cầu Công ty nước sạch Sông Đà sớm xác định thời hạn cụ thể để trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất. Đồng thời tỉnh Hòa Bình đề nghị công ty khẩn trương xây dựng hệ thống ống dẫn nước thô kín khi đầu tư mở rộng Nhà máy giai đoạn II, cũng như thay thế hệ thống kênh dẫn hiện tại bằng hệ thống ống dẫn kín... sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có quy hoạch sử dụng nước sông Đà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem