Vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương: Thủ đoạn nào khiến nhà nước bị thất thoát 725 tỷ đồng?

Quang Phương Thứ tư, ngày 02/12/2020 10:56 AM (GMT+7)
Bằng thủ đoạn cài phần mềm máy tính can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã được cài đặt, ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án "cao tốc TP.HCM – Trung Lương" đã làm thất thoát tiền nhà nước hơn 725 tỷ đồng. Dự kiến ngày 14/12 vụ án này sẽ được xét xử.
Bình luận 0

Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng và Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành, khai thác và thu phí từ tháng 2/2010. Theo chủ trương của Thủ tướng, khi dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoàn thành sẽ bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao cho biết: Tháng 2/2012, ông Đinh La Thăng lúc này là Bộ Trưởng Bộ GTVT đã điện cho ông Dương Tuấn Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT được giao tiếp nhận bàn giao đề án chuyển giao quyền thu phí) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp xúc và tham gia mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương: Nhà nước thất thoát hơn 725 tỷ đồng ra sao? - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh La Thăng trong một phiên xét xử trước đây

Ông Thăng đã phân công ông Nguyễn Hồng Trường (lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT) chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long cùng các đơn vị liên quan, thuộc Bộ GTVT, xây dựng và hoàn thiện đề án bán quyền thu phí.

Từ tháng 5/2012 đến tháng 10/2013, ông Trường đã cùng các bị cáo trong vụ án đã cố ý làm trái hàng loạt Thông tư liên tịch, Nghị định… để hoàn thiện đề án, xây dựng quy chế bán đấu giá và phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá quyền thu phí.

Trong thời gian trên, ông Đinh Ngọc Hệ, sau khi được ông Đinh La Thăng giới thiệu với Dương Minh Tuấn, ông Hệ đã cùng Phạm Văn Diệt, Tổng Giám đốc  điều hành Công ty CP Tập đoàn Đức Bình liên hệ và tiếp cận đề án trên. 

Đinh Ngọc Hệ biết rõ điều kiện để tham gia mua đấu giá là doanh nghiệp phải có nguồn tài chính đảm bảo cho việc thanh toán vốn đúng hạn khi trúng thầu.

Để tham gia mua quyền thu phí, ông Hệ đã sử dụng 2 pháp nhân: Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An do ông  Hệ thành lập và chỉ đạo hoạt động, để đăng ký mua quyền thu phí. 

Thực tế 2 công ty này không có năng lực tài chính và đang kinh doanh thua lỗ. Ông Hệ chỉ đạo Tô Phước Hùng - kế toán trường Công ty Yên Khánh và Phạm Tấn Hoàng - kế toán trưởng Công ty Khánh An, làm giả hồ sơ tài chính, nhằm biến từ lỗ thành lãi để che giấu việc không có khả năng tài chính, không đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí theo quy định và nộp hồ sơ đăng ký với Tổng Công ty Cửu Long.

Thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Trường với tư cách là Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá đã không chỉ đạo các thành viên Hội đồng bán đấu giá kiểm tra, đánh giá năng lực của công ty Yên Khánh và Khánh An, mà cho 2 công ty này đủ điều kiện tham gia đấu giá. Ông Trường ủy quyền cho Dương Minh Tuấn tiến hành bán đấu giá. Trên cơ sở đó, ông Trường đã ký duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc trên cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ.

Ngay sau khi mua được quyền thu phí và tiến hành thu phí, ông Hệ tiếp tục chỉ đạo nhân viên trong các công ty của Hệ thực hiện các hành vi trái pháp luật để che giấu doanh thu thu phí thực tế, che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT, cơ quan thuế và các cơ quan có chức năng nhằm chiếm đoạt tiền chênh lệch. Đồng thời với mục đích, sau khi hết thời gian mua quyền thu phí theo hợp đồng sẽ báo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí.

Vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương: Nhà nước thất thoát hơn 725 tỷ đồng ra sao? - Ảnh 3.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trong một phiên xét xử trước đây

Để thực hiện ý đồ trên, ông Hệ đã chỉ đạo cấp dưới mua phầm mềm máy tính can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT đã được cài đặt để xâm nhập, điều chỉnh chương trình soát vé. 

Tài liệu cho thấy từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2018, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã thu được hơn 3.266 tỷ đồng. Doanh thu sau khi can thiệp chỉ còn hơn 2.541 tỷ đồng. Như vậy Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về tòa bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT, trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, gây hậu quả thất thoát cho Nhà nước hơn 725 tỷ đồng. Hành vi của ông Thăng phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các bị cáo khác trong vụ án bị Viện KSND tối đề nghị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhiều các nhân liên quan nhưng chưa đến mức xem xét xử lý hình sự

Trong vụ án này Viện KSND tối cao, cho biết: Có nhiều cá nhân liên quan nhưng chưa đến mức phải xem xét xử lý hình sự. Trong đó có một số cá nhân là thành viên Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương gồm: ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài Chính, ông Hồ Hữu Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư Pháp, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục đường bộ VN.

Ngoài ra còn có 4 cá nhân là thành viên Tổ thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc nói trên; 8 nhân viên của Công ty Yên Khánh; 2 cá nhân vào năm 2013 là Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 4, TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng Bộ GTVT) thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ GTVT cũng có liên quan trong vụ việc, nhưng không được giao phụ trách thực hiện, quản lý đối với đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem