Vụ Việt Á: Giao dịch hàng chục tỷ đồng tiền mặt, có bất cập trong quản lý ngân hàng?

PVKT Thứ năm, ngày 09/06/2022 06:43 AM (GMT+7)
Liên hệ từ vụ Việt Á, khi khám xét nơi làm việc của người phạm tội, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục tỷ đồng tiền mặt, ĐBQH đoàn Đồng Tháp hỏi Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Phải chăng có sự bất cập trong quản lý của ngân hàng?".
Bình luận 0

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đặt câu hỏi về vấn đề lưu thông tiền mặt.

"Vụ Việt Á, khi khám xét nơi làm việc của người phạm tội, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục tỷ đồng tiền mặt"

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu, việc hạn chế sử dụng tiền mặt lưu thông trên thị trường đã và đang được áp dụng theo quy định của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân còn sử dụng tiền mặt với số lượng rất lớn, hàng chục tỷ đồng để giao dịch.

Dẫn ví dụ trong vụ Việt Á, theo đại biểu này, có trường hợp khám xét nơi làm việc của người phạm tội, cơ quan chức năng phát hiện có hàng chục tỷ đồng trong tủ của họ.

"Thống đốc cho biết tại sao có trường hợp này? Phải chăng có sự bất cập trong quản lý của ngân hàng?", đại biểu đoàn Đồng Tháp đặt vấn đề.

Vấn đề thứ hai được đại biểu Hòa đề cập liên quan tới tín dụng đen.

Theo đại biểu Hòa, mặc dù chúng ta đã rất quyết liệt nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được vấn nạn tín dụng đen. Có những trường hợp có gia đình bị tan nát, bị khủng bố cũng vì tín dụng đen. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân?

"Vụ Việt Á, khám xét nơi làm việc của người phạm tội có hàng chục tỷ tiền mặt. Thống đốc cho biết tại sao?" - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về lưu thông tiền mặt. (Ảnh: QH)

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?

Giải đáp thắc mắc về vấn đề lưu thông tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy định pháp luật hiện hành đã có những quy định đối với những khoản chi của nhà nước theo một ngưỡng nào đó là phải thực hiện thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Về vấn đề thanh toán bằng tiền mặt, Thống đốc cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình tổng kết, đánh giá để sửa đổi các văn bản và những phần quy định về thanh toán tiền mặt sẽ được đánh giá kỹ tác động đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên trong thực tế, đối với những giao dịch tiền mặt hay không tiền mặt mà vượt ngưỡng quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền thì các tổ chức, cơ quan thực hiện thanh toán đều có yêu cầu phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.

Trong vụ Việt Á, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, phân tích, có thể phối hợp và chuyển các cơ quan pháp luật để xác minh, điều tra những giao dịch tiền mặt đó.

"Vụ Việt Á, khám xét nơi làm việc của người phạm tội có hàng chục tỷ tiền mặt. Thống đốc cho biết tại sao?" - Ảnh 2.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Đối với tín dụng đen, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm và có Chỉ thị 12/2019 giao cho các Bộ, ngành, trong đó Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ phải tăng cường cung cấp tín dụng ở kênh chính thức.

Thời gian vừa qua về hành lang pháp lý Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi để có thể cho áp dụng những công nghệ vào hoạt động cho vay trong việc cấp cũng như lưu giữ các hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay và cũng ban hành một thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ các vấn đề đòi nợ hay vấn đề về lãi suất.

Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước cũng luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đa dạng hóa sản phẩm, cũng như triển khai các chính sách cho vay trong hoạt động chính sách ở vùng sâu, vùng xa.

"Chủ tịch Quốc hội có nêu là Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia và theo đó, tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc cũng như những người yếu thế cũng sẽ được quan tâm để triển khai và đặc biệt chúng tôi cũng phối hợp rất tích cực và Bộ Công an cũng rất tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức các Hội nghị về phòng, chống tín dụng đen ở rất nhiều khu vực trên các tỉnh, thành trong thời gian vừa qua", Thống đốc cho hay.

Một điểm quan trọng, theo Thống đốc đó là Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng đối với truyền thông để làm sao bà con ở vùng sâu, vùng xa, ở vùng nông thôn hiểu được các chính sách về tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách,...

Riêng đối với vai trò của Bộ Công an trong việc phát hiện cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị Bộ Công an báo cáo thêm để Quốc hội được rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem