Vụ xe ô tô lao xuống sông Mã khiến 3 người thiệt mạng: Phân định trách nhiệm ra sao?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 11/10/2020 16:25 PM (GMT+7)
Vụ việc 3 người thiệt mạng trong chiếc xe Mitsubishi Xpander lao xuống sông Mã (Thanh Hóa) rạng sáng nay khiến nhiều người đau xót. Theo luật sư, vụ việc này cần xem xét nhiều góc độ để xác định trách nhiệm các bên, ngăn ngừa tai nạn tương tự.
Bình luận 0

3 người thiệt mạng trong chiếc xe ô tô lao xuống sông Mã 

Trưa ngày 11/10, thông tin từ UBND TT.Phong Sơn (H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho biết, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương đã trục vớt 1 ô tô 7 chỗ, nhãn hiệu Mitsubishi Xpander (chưa rõ biển số) chìm dưới sông Mã.

Khi trục vớt lên bờ, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có 3 người chưa rõ danh tính, đều là đàn ông, đã thiệt mạng. Trong đó, có 2 người ngụ tại H.Như Xuân (Thanh Hóa); 1 người ngụ tại H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 3 giờ cùng ngày, người dân phát hiện chiếc ô tô kể trên lao xuống sông Mã, ở khu vực gần trụ sở UBND H.Cẩm Thủy. 

Nhiều người đã hô hoán nhau tìm cách ứng cứu, nhưng do nước sông sâu, xe bị chìm nhanh nên không thể cứu được.

Vụ chiếc xe ô tô lao xuống sông Mã khiến 3 người thiệt mạng: Cần xem xét nhiều góc độ xem ai có tội? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn tại Thanh Hóa.

Nhận được tin báo, Công an H.Cẩm Thủy và lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường và dùng xe cẩu trục chiếc xe gặp nạn. Khi đưa được chiếc xe lên bờ, phát hiện trong xe có 3 người đều đã chết.

Đến hơn 10 giờ cùng ngày, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn đang triển khai công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân vụ việc.

Được biết, khu vực chiếc xe ô tô bị nạn là đường cụt. Tại đây vốn có một cầu phao bắc qua sông Mã nhưng đến nay đã được dỡ bỏ vì đã có cầu cứng bắc qua sông ở vị trí khác.

Cần làm rõ đoạn đường đã cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo hay chưa?

Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người thiệt mạng bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc để có kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật.

"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các biển hiệu, cảnh báo ở khu vực này như thế nào, từ khi chiếc cầu phao bị gỡ bỏ thì có cấm biển cảnh báo đường cụt hoặc biển cấm hay không, có rào chắn đề phòng tình huống xe mất lái lao xuống sông hay không?

Vụ chiếc xe ô tô lao xuống sông Mã khiến 3 người thiệt mạng: Cần xem xét nhiều góc độ xem ai có tội? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Sau khi gỡ bỏ cầu phao, đơn vị quản lý cầu đường đã có giải pháp đề phòng tai nạn giao thông, đã cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo hay chưa cần phải làm rõ?

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý giao thông mà không đặt biển hiệu cảnh báo, có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.

Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, UBND tỉnh trở lên có thẩm quyền tổ chức giao thông, trong đó có thẩm quyền về đặt các loại biển báo giao thông.

Biển báo phải tuân thủ đúng hình dáng và tiêu chuẩn kỹ thuật điều 89 mục 2.3 Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ kèm theo Thông tư 06/2016 của Bộ Giao thông Vận tải.

Cũng theo vị luật sư này, trong trường hợp chính quyền địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức giao thông đã cắm biển hiệu, cảnh báo, có giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nhưng người điều khiển phương tiện giao thông đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông và người đó đã thiệt mạng thì trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng mới không được đặt ra.

Luật sư Cường phân tích: Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà người gây tai nạn đã tử vong, không còn liên quan đến người khác cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự, không xem xét trách nhiệm pháp lý của người vi phạm.

"Tuy nhiên nếu người gây tai nạn thiệt mạng có để lại tài sản thì gia đình những nạn nhân khác có quyền yêu cầu những người thừa kế của người gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Bộ Luật dân sự quy định nguyên tắc chia di sản thừa kế là di sản do người chết để lại sau khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba (nếu có) còn lại thì mới chia thừa kế cho theo quy định pháp luật", vị luật sư nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem