Vừa làm Tổng thanh tra Chính phủ đã liên tục nhận được đơn tố cáo

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 08/11/2017 12:18 PM (GMT+7)
“Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng không thể gửi đơn tố cáo khắp nơi từ TƯ đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục”, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái nói.
Bình luận 0

img

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh VPQH)

Đang bàn về Luật tố cáo, ĐBQH nhận được tin nhắn về tố cáo

Sáng 8.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Về hình thức tố cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) đề nghị, ngoài hai hình thức trên, xem xét bổ sung thêm các hình thức khác như thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định.

Phát biểu góp ý tại tổ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho rằng, với trách nhiệm cao, ông khuyến khích mở rộng hình thức tố cáo, nhưng với tình trạng hiện nay, nguồn nhân lực hiện nay nếu quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo này thì không đáp ứng được.

“Khi tiếp nhận, phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại thì đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thụ lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.

Dự thảo quy định, người tố cáo có trách nhiệm gửi đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra cho hay, quy định như dự luật để tránh trường hợp tố cáo tràn lan, vừa giúp các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết mất thời gian, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo. “Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng không thể cứ gửi đơn khắp nơi từ T.Ư đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ thôi đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục”, Tổng TTCP Lê Minh Khái nói.

Đề cập tới vấn đề này, ĐB Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết: "Chúng tôi thường xuyên nhận được tin nhắn điện tử của một số người chuyên tố cáo. Một ngày nhắn hai tin tố cáo toàn lãnh đạo cấp cao. Trường hợp họ nhắn tin tố cáo hàng ngày kéo dài từ 5-7 năm nay, ngày nào cũng hai tin, vậy có xử lý không trong khi biết tin tố cáo đó không chính xác. Vậy có thụ lý không, nếu không thụ lý không đúng với trách nhiệm, còn thông tin tố cáo như vậy thì không thể nào xử lý được".

Theo ĐB Nhã, quy định mở rộng hình thức tố cáo như qua thư điện tự, fax, điện thoại để nâng cao quyền của công dân nhưng quy định đó phải đảm bảo xử lý được. ĐB Nhã nghĩ đã tố cáo phải dám chấp nhận với sự thật là có đơn hoặc trực tiếp đối chất, còn áp dụng công nghệ thông tin sẽ không thể xử lý được. Sáng sớm ĐBQH đã nhận được tin nhắn tố cáo thì xử lý sao trong khi hàng ngày còn phải làm nhiều việc.

Sau khi phát biểu xong, ĐB Nhã mở điện thoại di động ra thấy có tin nhắn có nội dung tố cáo và chia sẻ ngay việc này với các vị ĐBQH trong tổ.

Tố cáo bằng thư điện tử phải theo quy chuẩn nhất định

Ở quan điểm ngược lại, ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng, cần phải mở rộng hình thức tố cáo để người dân thực hiện quyền công dân. Nếu chỉ bó hẹp trong hai hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp như tiếp thu của Chính phủ thì chưa đảm bảo quyền của công dân.

Theo ĐB Quý, việc tố cáo có hai nhiệm vụ chính là xác định được người tố cáo và nội dung tố cáo. Các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, điện thoại, cơ quan chức năng vẫn xác định được người tố cáo và nội dung. “Ví dụ, công dân tố cáo một việc gì đó họ gửi thư điện tử kèm theo các tài liệu chứng cứ, số điện thoại. Cơ quan nhận được thư điện tử đó có thể gọi điện thoại lại hỏi xem có phải công dân đó có đơn tố cáo. Nếu họ xác nhận và nói vì lý do này, lý do kia không thể tố cáo trực tiếp thì cơ quan chức năng có thể có lịch hẹn với người đó để xác định lại người và nội dung. Còn trường hợp không liên lạc được với người tố cáo thì nghĩa là tố cáo nặc danh, mạo danh”, ĐB Quý bày tỏ.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, một vấn đề nữa là hình thức tố cáo bằng đơn, trực tiếp hay mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại cần nghiên cứu thêm. “Tới đây, chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử”, tướng Vương nói.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐQBH tỉnh Hà Giang) cho rằng, hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử đã xảy ra rồi, nên cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp.

“Chúng ta phải suy nghĩ, dù tố cáo bằng đơn cũng như thư điện tử, điện thoại phải có một quy chuẩn nhất định. Nếu tố cáo không đúng tôi không giải quyết. Như tố cáo qua thư điện tử thì phải chụp chứng minh nhân dân, mà tới đây là thẻ căn cước, phải ghi rõ nơi ở, chức vụ nghề nghiệp, nếu không thì không giải quyết”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem