Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới: 4 vấn đề để sản xuất bền vững (bài 4)

Trần Đáng (thực hiện) Thứ hai, ngày 14/06/2021 06:08 AM (GMT+7)
Bà con nông dân vùng Đồng Tháp Mười đang phấn khích thay đổi vật nuôi, cây trồng mới, thế chỗ dần cho cây lúa. Làm thế nào để sự phấn khích này trở thành sự phát triển bền vững chứ không là phong trào tự phát, phá vỡ cơ sở hạ tầng cũng như tiềm ẩn rủi ro về tiêu thụ?
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với TS Mai Thành Phụng - nguyên Trưởng Bộ phận Thường trực Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nguyên Phó Chủ nhiệm dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười (ISA/FOS/ĐTM).

Cây lúa vẫn còn vị trí ở Đồng Tháp Mười

Ông từng là người đi khai phá vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Để Đồng Tháp Mười trồng được cây lúa và trở thành "vựa lúa" của Việt Nam là một kỳ tích. Vậy, quan điểm của ông thế nào trước tình hình nông dân đang bỏ dần cây lúa và chọn cây trồng, vật nuôi khác giá trị kinh tế tốt hơn?

- Tôi cho rằng, không phải chỉ vùng Đồng Tháp Mười mà các vùng trồng lúa khác trên cả nước, nếu nơi nào trồng lúa năng suất thấp thì buộc phải chuyển sang trồng cây, nuôi con có giá trị kinh tế cao hơn. Nông dân được quyền trồng cây gì, nuôi con gì cho giá trị kinh tế cao, bán có giá.

Phải chăng cây lúa không còn nuôi nổi nông dân hay bà con nông dân chuyển sang vật nuôi, cây trồng mới là điều tất yếu?

- Theo tôi cây lúa vẫn còn vị trí ở Đồng Tháp Mười. Nếu tính về lâu dài 5, 10, 20 năm tới thì cây lúa vẫn có lợi cao hơn những cây trồng khác.

Vậy, nếu vẫn giữ cây lúa, cần làm gì để nông dân sống tốt từ cây lúa?

- Cây lúa là cây thích nghi tốt vùng Đồng Tháp Mười. Vậy để giữ cây lúa, cần phải thay đổi quan điểm là làm kinh tế nông nghiệp, chứ không phải sản xuất nông nghiệp.

Giờ cần tổ chức lại sản xuất, sẽ chuyển sang làm lúa giá trị cao, sử dụng giống có thương hiệu, liên kết đầu ra… Những vùng lúa có thể mang lại hiệu quả cao, áp dụng công nghệ thông minh thì vẫn giữ làm lúa.

Vựa lúa sống cùng nỗi lo cây - con mới (bài 4): 4 vấn đề để sản xuất bền vững  - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Thành Công (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, Long An) chăm sóc vườn cam sành. Ảnh: T.Đ

"Tôi thấy rất cần có ý kiến của nhà khoa học và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đưa ra các khuyến cáo và các chính sách về việc trồng cây ăn trái trong "rốn phèn" Đồng Tháp Mười, để tránh bớt những rủi ro cho nông dân".

TS Mai Thành Phụng

Ngành nông nghiệp cần tăng cường khuyến khích nông dân làm lúa thông minh, sử dụng máy móc trong sản xuất. Ai muốn tồn tại với cây lúa thì phải chuyển sang làm lúa công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tôi tin rằng, trong tương lai bà con nông dân ở Đồng Tháp Mười vẫn sống tốt với cây lúa.

Làm gì để cây trồng, vật nuôi sống tốt?

Trở lại vấn đề, trước tình hình bà con nông dân Đồng Tháp Mười đang rất phấn khích với cây trồng, vật nuôi mới, vậy chính quyền, ngành nông nghiệp phải làm gì để nông dân sản xuất bền vững?

- Theo tôi, vùng Đồng Tháp Mười có 4 vấn đề cần giải quyết nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững, gồm: Hạn, mặn, phèn, ngập úng. Nếu giải quyết được 4 vấn đề này một cách rốt ráo thì trồng cây, vật nuôi sẽ sản xuất tốt. Nếu không, nông dân sẽ không có thu hoạch.

Trồng cây gì, buộc phải theo điều kiện đất đai ở nơi đó. Ở Đồng Tháp Mười có những chỗ tầng phèn nằm khá gần mặt đất, khi trồng cây, ban đầu cây sống, nhưng từ năm thứ 6 trở đi cây sẽ chết dần. 

Ví dụ trồng sầu riêng, 5 năm đầu cây vẫn lên tốt, nhưng đến năm thứ 6 trở đi cây sẽ chết. Bởi lúc đấy, rễ cây sầu riêng phát triển sâu hơn và đụng phải tầng đất phèn. Khi ấy, không còn cách cứu chữa cây nữa.

Còn về việc nuôi tôm thẻ chân trắng, khi nông dân bón thêm 2 tấn muối/1.000m2 để tăng độ mặn phục vụ nuôi tôm thì chắc chắn ảnh hưởng đến tính chất đất. Do vậy, đất đã xử lý muối sẽ khó quay lại trồng cây. Trước mắt chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên môi trường cần có hướng dẫn cho bà con về những điều cần chú ý khi khai thác nước ngầm nuôi tôm trong vùng Đồng Tháp Mười.

Nhìn chung, cần có giải pháp khắc phục, hạn chế của đất và môi trường thích nghi với điều kiện phèn, hạn, mặn, ngập úng của vùng Đồng Tháp Mười để sản xuất bền vững.

Theo đó, chính quyền cần xây dựng đê bao ngăn lũ triệt để chống ngập úng; phải có hệ thống bơm tháo nước ra khi mưa lớn bị ngập úng; cần phải có các công trình ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô.

Còn về phía bà con nông dân, cần lưu ý điều gì, thưa ông?

- Theo tôi, nông dân phải có biện pháp khắc chế phèn tránh tình trạng rễ cây đụng tầng phèn hoặc tầng sinh phèn, nếu không sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Thêm vào đó, nông dân phải có kỹ thuật canh tác tổng hợp, đầy đủ, có hiệu quả trên đất phèn. Cần am hiểu các biện pháp kỹ thuật khắc chế phèn, như: Ém phèn, rửa phèn, cách lên liếp chồng 2 lớp đất mặt tránh đưa lớp đất phèn vào vùng rễ, các chế phẩm phân bón, hữu cơ sinh học hiệu quả cao trên đất phèn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem