"Vua thuỷ sản" Hùng Vương cực kỳ xấu hổ với kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng

Nam Sơn Thứ sáu, ngày 20/04/2018 14:24 PM (GMT+7)
"Vua thuỷ sản" Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh cho biết sắp tới công ty sẽ tập trung tái cơ cấu và trả nợ với việc bán vốn tại Việt Thắng, các khu đất  tại 765 Hồng Bàng và 93 Phạm Đình Hổ quận 6, dự án nuôi heo và kho lạnh. Tuy vậy, ông thấy cực kỳ xấu hổ vì kế hoạch lợi nhuận chỉ 100 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 20.4, Công ty CP Hùng Vương (Mã: HVG), đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018. Theo Báo cáo của HĐQT HVG, năm 2017 công ty lỗ hợp nhất gần 713 tỷ đồng do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng khiến 11 nhà máy với 15.000 lao động của Hùng Vương hoạt động cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu. Khó khăn nữa là nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất, làm cho giá thành tăng 30%. 

Bán đất và heo trả nợ

Giải trình về khoản lỗ trên, ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT cho rằng Hùng Vương không phải không có định hướng và không có trách nhiệm, các công trình dự án làm đều có cam kết từ phía ngân hàng. Các cam kết này chưa thực hiện do khi giá heo tụt xuống nên ngân hàng e ngại chưa giải ngân, HVG đang đàm phán tiếp tục đầu tư các dự án dở dang.

Theo đó, từ năm 2015 đến 2017, công ty đã triển khai thực hiện các đề án phát triển chăn nuôi heo và xây dựng hệ thống kho lạnh 6.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot gồm: Dự án kho lạnh robot với giá trị hợp đồng hơn 866 tỷ đồng; dự án thức ăn Long An hơn 681,5 tỷ đồng; dự án giống An Giang 1 gần 248 tỷ đồng; dự án giống An Giang 2 ở mức 145 tỷ đồng và dự án giống Bình Định gần 214 tỷ đồng.

Vấn đề là một số công trình của HVG hoàn tất 80% nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng bị trì hoãn, có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết. Tổng số vốn phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án là 1.500 tỷ tương ứng 70% giá trị đầu tư các dự án nhưng thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết. Công ty đã phải bỏ ra 640 tỷ trích từ nguồn vốn ngắn hạn, điều này gây ra tình trạng mất cân đối vốn nghiêm trọng cho công ty.

Cho tới thời điểm này, riêng công ty mẹ Hùng Vương nợ khoảng 1.700 tỷ đồng, nhưng đây là số liệu trên báo cáo hợp nhất nhiều công ty. HVG lên kế hoạch thoái vốn từng phần, một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng (đã bán thu về 370 tỷ đồng hoàn tất vào tháng 2.2018), 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM (đã bán 190 tỷ đồng hoàn tất vào tháng 3.2018). Tổng giá vốn của hai miếng đất này là 283 tỷ trong đó HVG tham gia 60% vốn, 47% của công ty Việt Thắng đã thoái vốn xong và tái cơ cấu lại tài sản.

img

Ông Dương Ngọc Minh phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của HVG

“Công ty sẽ gom vốn lại để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến cá tra, còn lĩnh vực đã bán đi và mời đối tác vào thì công ty đang tiến hành. Cụ thể là dự án heo đang có 2 đối tác tham gia vào. Tới tháng 9 sẽ hoàn tất những hạng mục dở dang để chuyển giao dự án này, sẽ sinh lời chứ không bị lỗ”, ông Minh nói.

Về việc bán Công ty Việt Thắng, ông Dương Ngọc Minh cho biết hiện giá vốn 7.000 đồng/CP thì Hùng Vương muốn bán gấp đôi. Quan điểm của Vingroup muốn hỗ trợ tối đa cho hoạt động của Hùng Vương. Hùng Vương có thoả thuận với Vingroup trong thời gian 5 năm bất cứ lúc nào nếu Hùng Vương muốn mua lại phần Vingroup đã đầu tư thì Vingroup sẽ cho phép Hùng Vương mua lại. Tại thời điểm năm 2015 có đối tác muốn mua lại Việt Thắng trị giá 200 triệu USD (gấp 4 lần giá trị đầu tư) nhưng đối tác gặp khó khăn về chính trị tại tập đoàn mẹ ở Hàn Quốc nên hợp đồng này phải dừng lại.

Định hướng xuất khẩu thị trường Trung Quốc

Cũng theo ông Dương Ngọc Minh, hiện nay xuất khẩu cá tra đang tăng lại. HVG đang quy hoạch lại vùng nuôi bởi một số diện tích bán đi được 2 tỷ đồng/ha trong khi giá vốn chỉ vài trăm triệu/ha. HVG dự kiến bán bớt một số vùng nuôi xa khu vực quản lý và chỉ giữ lại khoảng 1.200ha vùng nuôi cá tra.

Giá cá tra hiện nay là 32.000 đồng/kg, năng lực nhà máy chỉ đạt 50% công suất do không đủ nguyên liệu để sản xuất. Hùng Vương đang nhận gia công cá tuyết cho Mỹ, trong khi giá con giống hiện nay so với năm trước cao gấp 3 lần mà đến tháng 5.2018 mới có giống mới nên công ty đang cố gắng duy trì hoạt động nhà máy. Trong định hướng của Hùng Vương tiếp tục duy trì nuôi trồng 200.000 tấn cá năm 2018 và 2019. 

Trả lời cổ đông về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra ảnh hưởng như thế nào đến HVG, ông Minh cho biết hiện nay Công ty Gò Đàng là bị đơn bắt buộc để Mỹ áp thuế với các doanh nghiệp nên HVG không xuất khẩu vào Mỹ thời gian này, mà sang POR 14, HVG là bị đơn bắt buộc thì công ty mới tham gia.

“Mỹ không còn là thị trường quan trọng của cá tra mà Trung Quốc hiện đang mua 50% sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Đây là vấn đề về lâu dài ngành cá tra phải thấy được thuận lợi và rủi ro đều không lường được trước. Với dân số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu thực phẩm rất cao, cơ địa để phát triển cá tra Việt Nam sang Trung Quốc rất lớn. 1kg cá tra vào nhà hàng hiện gần 70 USD trong khi giá xuất khẩu từ Việt Nam sang chỉ có 3,5 USD/kg nhưng giao dịch với Trung Quốc có nhiều vấn đề”, ông Minh cho biết.

Vì sao thay đổi kế hoạch lãi từ 800 xuống 100 tỷ đồng?

Năm 2018, Hùng Vương đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ. Trong khi trước đó trong tài liệu báo cáo thường niên công bố vào tháng ./2018 công ty đặt kế hoạch năm 2018 lãi 800 tỷ đồng. Cách đây 1 năm công ty đặt kế hoạch lãi 2017 đạt 500 tỷ nhưng thực tế kết thúc năm lỗ hơn 700 tỷ. Cổ đông nghi ngờ công tác đặt kế hoạch của công ty và bày tỏ sự thất vọng khi giá cổ phiếu đã xuống dưới 5.000 đồng/CP. 

Trả lời vấn đề này, "vua thủy sản" Hùng Vương cho biết từ đây tới tháng 10 công ty vẫn phải trả lãi ngân hàng, hiện 1 tháng phải gánh đầu tư dở dang trên 100 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện các dự án công ty sẽ chuyển giao và có lãi. Vì thế con số lãi 100 tỷ ở đây là bước an toàn nhất để năm nay không lỗ mà có lãi.

img

Hùng Vương sẽ tập trung ngành chính là nuôi trồng và chế biến cá tra

"100 tỷ đồng lợi nhuận này là chưa có tín hiệu tốt về ngân hàng, nếu có tín hiệu tốt thì kết quả sẽ cao hơn và đàm phán ngân hàng để mua cổ phiếu quỹ. Là một lãnh đạo của công ty tôi cũng mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Trong trường hợp xấu nhất, nếu bán hết tài sản vẫn dư tiền cho cổ đông. Trên 1.200 ha đất nuôi trồng có giá trị trên 2.000 tỷ đồng (giá vốn 2.000 tỷ), còn có kho lạnh và khu đất tại Tân Tạo. Hiện ngân hàng nhìn ra tài sản của Hùng Vương nên đã cho vay trở lại", ông Dương Ngọc Minh chia sẻ với cổ đông.

Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện nay vấn đề con heo không quá xấu như trong thời gian vừa qua, HVG nhập con giống là những giống cụ kị của Đan Mạch, tỷ suất sinh sản của heo này cao hơn 30% so với giống heo của các công ty nuôi heo hiện tại. Nếu giá heo dưới 20.000 đồng/kg công ty mới lỗ. Công ty đã đàm phán với BIDV để tiếp tục cho vay dự án này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem