"Vựa" trái cây lớn thứ 2 cả nước Sơn La tìm đường vào siêu thị, xuất ngoại

Khương Lực Thứ bảy, ngày 09/05/2020 13:59 PM (GMT+7)
Với việc phát triển mạnh diện tích nhiều loại cây ăn trái như xoài, nhãn, chanh leo, những năm gần đây tỉnh Sơn La đã trở thành "vựa" trái cây lớn thứ hai cả nước, với tổng diện tích trên 71.000ha.
Bình luận 0

Câu chuyện tìm đường vào siêu thị, tăng chế biến và xuất khẩu đang đặt ra ngày càng cấp thiết với cả người dân và chính quyền tỉnh này.

Diện tích tăng nhanh

Dù mới được thành lập, nhưng HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân (Vân Hồ, Sơn La) với 7 thành viên đã tạo dựng đường vùng trồng xoài rộng lớn 40ha. Tại vườn xoài 7ha của nhà ông Nguyễn Hương Long - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân, những trái xoài sai trĩu cành trên vườn cây trồng hơn 3 năm. Điểm đặc biệt của vườn xoài là vừa có những quả to trên dưới 1kg, còn có những quả nhỡ, vừa, thậm chí có cây đang ra hoa.

Ông Long cho biết, để rải vụ xoài, khi cây ra hoa ông đã ngắt bớt hoa nhằm tạo ra những đợt ra hoa, đậu quả khác muộn hơn. Với biện pháp kỹ thuật đơn giản đó, ông có thể tạo ra vườn xoài có 3 lượt quả lớn nhỏ, cho thu hoạch cách nhau cả tháng.

Trái cây Sơn La tìm đường vào siêu thị, xuất ngoại - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm vườn xoài của HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân.

Ông Long còn trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc thảo dược và cá làm phân bón cho cây trồng. Hiện ông trồng 500 cây/ha. Dự kiến trong tháng tới, gia đình ông thu hoạch khoảng 10 tấn xoài/ha. Với giá bán 11.000 đồng/kg, mỗi ha xoài sẽ cho thu nhập 110 triệu đồng.

Nói về sự bứt phá trong phát triển cây ăn quả ở địa phương, bà Cầm Thị Khay - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, chỉ tính riêng năm 2018, diện tích cây ăn quả của huyện đã tăng từ 2.700ha lên 6.000ha. Đến nay toàn huyện có khoảng 9.000ha cây ăn quả, gồm xoài, nhãn, chanh leo và một số cây ăn quả khác, chiếm 12,5% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh.

Trong năm 2020, huyện Mai Sơn có khoảng 3.000ha cây trái bắt đầu cho thu hoạch, nhưng do diện tích phát triển nhanh, manh mún… nên gặp nhiều khó khăn trong sơ chế, bảo quản và xuất khẩu. "Đây đang là mối lo của huyện Mai Sơn" - bà Khay khẳng định.

Bà Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) cũng cho biết, Sông Mã là một trong 5 huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn, tổng diện tích khoảng 10.000ha, trong đó có tới 8.000ha nhãn. "So sánh hiệu quả kinh tế với trồng lúa, ngô thì trồng cây ăn quả cao gấp nhiều lần"- bà Yến nói.

Trái cây Sơn La tìm đường vào siêu thị, xuất ngoại - Ảnh 2.

Tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân vườn xoài với 3 loại quả, giúp rải vụ, kéo dài thu hoạch tới tháng 8/2020. Ảnh: K.L

Trước tác động của dịch Covid-19, theo bà Yến, việc chế biến nhãn được lãnh đạo huyện Sông Mã đặt lên hàng đầu. "Sản phẩm long nhãn hiện đã có thương hiệu, tuy nhiên chế biến chưa nhiều, do đó chúng tôi mong muốn Bộ NNPTNT, các doanh nghiệp hỗ trợ để tăng cường chế biến, gia tăng giá trị đối với nhãn" - bà Yến kiến nghị.

Kết nối chế biến, tiêu thụ

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La thông tin, đến nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã có gần 80.000ha, trong đó tập trung cho các diện tích cây ăn quả lớn như xoài 15.700ha, nhãn 18.790ha, rồi các vùng bơ, chanh leo và cây ăn quả khác.

"Thời gian qua, dịch Covid-19 có tác động rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc thông quan hàng hoá tại các cặp cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai đã rất tốt. Hiện nay, xoài trên địa bàn tỉnh bắt đầu cho thu hoạch, tổng sản lượng năm nay ước đạt 45.000 - 50.000 tấn" - ông Công nhấn mạnh.

Để tạo thuận lợi cho việc kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tỉnh Sơn La đã thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu nông sản. "Chúng tôi tập trung nghiên cứu thị trường, năm 2019 sản phẩm nông sản của tỉnh đã xuất khẩu đi 16 nước và tập trung xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ (xoài), Úc (nhãn), Anh (xoài)… Các thị trường đều chấp nhận sản phẩm trái cây của tỉnh Sơn La" - ông Công khẳng định.

Theo ông Công, dư địa để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ cho tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La còn rất lớn, với 350.000ha đất có thể chuyển đổi, trồng cây ăn quả. 

Chính vì thế, cùng với việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản và xuất khẩu quả tươi, phương châm của tỉnh Sơn La là tăng cường kết nối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

Ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay, trong tháng 6 tới, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức hội nghị vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Dự kiến, đầu tháng 7/2020, Tập đoàn TH sẽ khánh thành dây chuyền sơ chế, đóng gói và dần dần chế biến sâu các sản phẩm nhãn, cam, quýt.

Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đang hoàn thiện thủ tục đầu tư nhà máy Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn với công suất 25.000 tấn sản phẩm, tương ứng 389.000 tấn sản phẩm đầu vào.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem