Vùng đất này của tỉnh Hải Dương dân sống trong yên bình, khá giả, thu nhập đạt tới 75,5 triệu đồng/người/năm

Chủ nhật, ngày 14/05/2023 18:36 PM (GMT+7)
Với những biện pháp thiết thực, hiệu quả, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) luôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương.
Bình luận 0

Ngay khi Hải Dương khởi động phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) đã hăng hái triển khai. Năm 2014, Đức Chính là 1 trong 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Xã liên tục huy động các nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Trong 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019, Đức Chính là xã duy nhất hoàn thành đủ 18 tiêu chí. Từ động lực đó, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2020 để năm 2021 cùng Bạch Đằng (Kinh Môn) là 2 xã đầu tiên của tỉnh Hải Dương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Thơi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã nhớ lại: "Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, Đức Chính đã tập trung cao thực hiện các tiêu chí còn thiếu. Các thôn, xóm và nhân dân duy trì, phát huy các tiêu chí đã đạt".

Bám sát quá trình xây dựng nông thôn mới, các đoàn thể trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện. Phương châm là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".

Vùng đất này của tỉnh Hải Dương dân sống trong yên bình, khá giả, thu nhập đạt tới 75,5 triệu đồng/người/năm - Ảnh 1.

Đường làng, ngõ xóm ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương phong quang, sạch đẹp.

Ông Nguyễn Văn Kình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đức Chính cho biết: "Trong thực hiện, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu làm trước, đồng thời gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân".

Đến năm 2022, địa phương đã huy động hơn 58 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm gần 68%. Các tuyến đường đều được bê tông hóa, mở rộng mặt đường từ 2-3 m trước kia thành 5-6m, có đoạn rộng tới 9-10m và đều có đèn chiếu sáng. 

Người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, cây cối trên đất. 27 tuyến đường được phủ bóng cây xanh... Hơn 1,6 km mái đê sông Thái Bình đã được nâng cấp thành đoạn tuyến đê kiểu mẫu, trồng gần 1 ha hoa.

Trường mầm non và THCS đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhà văn hóa trung tâm có trên 300 chỗ ngồi. Sân vận động rộng 1,1 ha. Các thôn đều có sân thể thao, nhà văn hóa...

Vùng đất này của tỉnh Hải Dương dân sống trong yên bình, khá giả, thu nhập đạt tới 75,5 triệu đồng/người/năm - Ảnh 2.

Tuyến đê kiểu mẫu ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: BHD.

Ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết: “Xã mong muốn duy trì và phát triển nông thôn mới kiểu mẫu trên nhiều lĩnh vực. Biện pháp là quy hoạch lại và chuyển đổi cách sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tối đa đặc thù, lợi thế của địa phương để tạo bản sắc riêng”.

Địa phương hiện có 42 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao... Cả 7 thôn đều đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa luôn đạt trên 90%. Đức Chính luôn ở tốp đầu huyện trong cải cách thủ tục hành chính. Điển hình như trong “Ngày không viết” vào thứ tư hằng tuần, công chức xã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Đức Chính đạt gần 75,5 triệu đồng, gấp hơn 2,8 lần năm 2014. Xã hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới.

Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chính chia sẻ: "Cả xã hiện có 290 hộ làm gia trại, đều sản xuất theo mô hình nông nghiệp hàng hóa. Trong 1.854 hộ hội viên nông dân có tới 1.256 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2022".

Đức Chính đang là trung tâm trồng cà rốt của tỉnh. Ngoài gần 180 ha bãi sông, địa phương đã quy hoạch mở rộng khoảng 150ha nội đồng để chuyên canh cây cà rốt. Người dân trong xã còn thuê trên 1.200 ha đất trong và ngoài tỉnh để trồng cà rốt. Khoảng 300 ha trồng cà rốt được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; còn lại phần lớn sản xuất theo hướng VietGAP để đẩy mạnh xuất khẩu.

Xã có 12 xưởng sơ chế lớn có kho lạnh, bảo đảm đóng gói xuất khẩu đạt 800 tấn cà rốt tươi/ngày. HTX Chế biến nông sản Đức Chính hiện là cơ sở sơ chế cà rốt lớn nhất, với công suất 100 tấn sản phẩm/ngày. 

Địa phương cũng quy hoạch 3 vùng trồng ngô ngọt rộng 15 ha, có gắn kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; 6 vùng chuyên canh dưa, với tổng diện tích 150 ha và 4 vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Mục tiêu của xã là duy trì các cây trồng có thế mạnh để bảo đảm thu 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Để sớm đạt mục tiêu trên, xã đang đầu tư 13 tỷ đồng cho dự án tưới nước tiên tiến ở 140 ha; đầu tư trên 11 tỷ đồng mở rộng 7 tuyến đường trục chính đồng bãi dài 6 km bằng bê tông, kiên cố hóa 2 tuyến kênh tưới, tiêu kết hợp dài 1 km...

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết để phát huy kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đức Chính luôn xác định mục tiêu lấy chất lượng sống của người dân làm trung tâm. Đổi mới, tạo bứt phá về giá trị sản xuất nông nghiệp là biện pháp căn bản, bảo đảm định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số để xây dựng xã Đức Chính ngày càng phát triển bền vững, giàu mạnh, văn minh.

T.L (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem