Đồng bằng sông Hồng - nơi ươm tạo nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo

Mai Chiến Thứ sáu, ngày 12/05/2023 15:36 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào 2 vấn đề: Khởi nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng nhìn từ thực tiễn, và tìm giải pháp hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Bình luận 0

Thúc đẩy, ươm mầm một cộng đồng khởi nghiệp trẻ đầy năng động

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao về "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng" được tổ chức tại tỉnh Nam Định vào chiều ngày 11/5, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30 - NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng đồng bằng sông Hồng - nơi uơm tạo nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Mai Chiến.

Nghị quyết đã xác định quan điểm phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Theo đó, đồng bằng Sông Hồng là một vùng kinh tế động lực chiếm khoảng 30% GDP cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm hơn 1/3, đứng đầu cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Một số địa phương trong vùng đã phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước, nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các địa phương phát triển không đồng đều.

Theo ông Bùi Trung Nghĩa, cách đây vừa tròn 1 tháng, VCCI đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022. Báo cáo đánh giá cao xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì, riêng vùng đồng bằng Sông Hồng có 4/11 tỉnh thành (gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất - PCI 2022.

Tuy nhiên, qua điều tra từ các doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

"Việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là yếu tố quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng vượt qua khó khăn, thách thức, từ đó góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới…", ông Nghĩa nói.

Vùng đồng bằng sông Hồng - nơi uơm tạo nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 2.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Mai Chiến.

Trong giai đoạn vừa qua, VCCI tự hào với gần ba thập kỷ gắn bó với sứ mệnh khởi nghiệp bằng việc thực hiện Chương trình Khởi nghiệp quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó từng bước góp phần tạo nền tảng năng lực và tri thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tăng cường khả năng ươm mầm để tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp trẻ đầy năng động ở Việt Nam.

"Chương trình Khởi nghiệp quốc gia do VCCI chỉ đạo tổ chức thực hiện đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các tỉnh thành, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước…", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Các chương trình và hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp mà VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng về chính sách, cơ chế và hệ sinh thái để cộng đồng khởi nghiệp trải nghiệm thực tiễn khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.

Nhiều địa phương đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, hiện nay việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã mang lại hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện.

Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương, tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển hệ sinh thái quốc gia…

Vùng đồng bằng sông Hồng - nơi uơm tạo nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam (thứ 2 từ trái sang phải) tham luận về vấn đề triển khai hoạt động khởi nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Mai Chiến.

"Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở. Tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia", ông Tùng chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, sáng kiến Techfest đã được thực hiện đến nay đã là năm thứ 8 và đã được hưởng ứng mạnh mẽ không chỉ ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia mà còn ở quốc tế.

Ngay từ đầu năm nay, với mong muốn nhanh chóng khởi động lại sau đại dịch Covid-19, Bộ đã phối hợp với nhiều bên tổ chức Techfest tại Lào, tại Hàn Quốc. Nam Định cũng là địa điểm đầu tiên đăng cai tổ chức Techfest vùng tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, những năm qua, Nam Định đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch.

Chuyển hướng phát triển công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thân thiện với môi trường; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, có tính đột phá để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định bộc bạch, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp cải thiện năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu suất công việc, đồng thời tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất cho các tổ chức, cơ quan, ban ngành cũng như các doanh nghiệp, đơn vị.

"Qua sự kiện này, tỉnh Nam Định mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh trong vùng, nhằm hoàn thiện những chính sách, chiến lược thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, của vùng", ông Đoài tâm sự.

Là tỉnh nằm cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội, Hà Nam có điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật với các địa phương trong vùng và cả nước. Hiện, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp và 1.128 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Thực hiện hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi số, phát triển kinh tế tập thể, thị trường khoa học và công nghệ, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Vùng đồng bằng sông Hồng - nơi uơm tạo nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 4.

Các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp ký bản ghi nhớ hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: Mai Chiến

Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ, Hà Nam đã ban hành các cơ chế chính sách về thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, phát huy được tác dụng tích cực trong hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện hóa ý tưởng hoặc dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các kệnh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hoạt động lập quyền sở hữu trí tuệ, hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống, thế mạnh, đặc thù của địa phương. Xây dựng và phát triển cơ sở thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - nền tảng của các hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tậm là hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền, kinh tế và xã hội số.

Ngoài ra, triển khai tích cực Đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2023" và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

"Về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch và đưa vào sử dụng khoảng 222 ha để xây dựng 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…", ông Vượng thông tin thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem