Vùng này ở Cao Bằng, dưới đất là thiếc, bạc, vàng, nổi lên các hòn đá cuội to tướng

Thứ bảy, ngày 31/12/2022 09:21 AM (GMT+7)
Trầm tích hay là tiềm năng, thế mạnh của Lê A - Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) không chỉ nằm trong lòng đất có sắt, thiếc, bạc, vàng...Những kim loại dù quý giá bao nhiêu và có nhiều đi chăng nữa cũng chỉ là giới hạn, khai thác mãi cũng sẽ cạn kiệt...
Bình luận 0
Tôi đã đến Phja Oắc - Phja Đén không biết bao nhiều lần, nhưng lần này tôi quyết định đi ngược con đường đèo Cô Lê A (Col De Lea) từ ngã ba Nà Phặc, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) lên huyện Nguyên Bình vừa để chiêm ngưỡng cây đa ở Nà Bản vừa xem con đường hình thành từ thời thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất, khi viên kỹ sư người Pháp Fuchs phát hiện ra những vỉa quặng lộ thiên quanh dãy Phja Oắc, ông báo cáo về nước Pháp “Việc chiếm đóng Cao Bằng đã mang lại một yếu tố mới trong vấn đề mỏ (tài nguyên) ở Bắc Kỳ”.
    Vùng này ở Cao Bằng, dưới đất là thiếc, bạc, vàng, nổi lên các hòn đá cuội to tướng - Ảnh 1.

    Đá cuội ở Tài Soỏng, xã Phan Thanh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

     Cả một vùng núi non xung quanh Phja Oắc - Phja Đén nhanh chóng bị giới tư bản Pháp tranh nhau xâu xé. Năm 1901, Công ty Thiếc Phja Oắc mở mỏ khai thác mạn sườn núi phía Bắc, năm 1902 Công ty Duverger khai thác thiếc và vàng ở Tĩnh Túc; Công ty Thượng du Bắc Kỳ chiếm cứ vùng núi phía Nam khai thác quặng bô xít… 

    Năm 1910, các chủ mỏ nhỏ lẻ dần bị thâu tóm để lập ra Công ty Thiếc và VonFram Bắc Kỳ nhằm mở rộng quy mô khai thác, biến Tĩnh Túc thành khu mỏ lớn tập trung hơn 2.000 công nhân.

    Đường Cô Lê A được mở ra chủ yếu là để khai thác, vận chuyển quặng về xuôi và đón khách tham quan đến nghỉ mát ở nhà Đèn, nhà Đỏ do chúng xây dựng trên Phja Đén - nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, đến nay vẫn còn 7 - 8 khu nhà hoang phế; nhiều người còn nói cái tên Phja Đén (nghĩa là núi đèn) là do đêm đêm từ Nà Phặc nhìn lên trông thấy những ngọn đèn sáng trên núi cao.

    Đường Cô Lê A đi qua chợ Phja Đén (Thành Công) chia làm hai nhánh, một nhánh lên Phja Oắc trên độ cao trung bình 1.500 m men theo sườn núi ra ngã ba Sơn Đông, kết nối Quốc lộ 34 xuôi về thị trấn Nguyên Bình; một nhánh qua thung lũng Tài Soỏng - Phan Thanh ra thị trấn Tĩnh Túc, Quốc lộ 34 tạo thành vành đai khép kín ôm lấy toàn bộ lưu vực Phja Oắc - Phja Đén hùng vỹ.

    Lê A - Phja Oắc - Phja Đén bây giờ đã trở nên quen thuộc, sau khi được Nhà nước công nhận là Vườn bảo tồn Quốc gia (tháng 1/2018). Cả một vùng núi non trùng điệp rộng gần 10.300 ha nằm ở độ cao trung bình trên 1.000 m (trong đó Phja Oắc - nơi đặt Trạm phát sóng quốc gia có độ cao trên 1.900 m), chân núi tỏa rộng bao gồm các xã Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc được các nhà văn, nhà báo hết lời ca tụng, nào là “khu sinh thái tự nhiên hiếm có”, “người đẹp ngủ trong rừng”, “tiềm năng chưa được khai phá”…

    Do độ cao và sinh khí núi đá vôi mạnh nên ở đây có những cánh rừng nguyên sinh mang đặc trưng của tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới, quanh năm sương mù bảng lảng, mùa đông tuyết phủ một màu trắng bạc kỳ ảo, cây cối tốt tươi và thảm thực vật phong phú, đa dạng với cả trăm loài thực vật, động vật quý hiếm. 

    Những năm 60 của thế kỷ trước, Lâm trường Lê A Phja Đén chuyên trồng thông và khai thác gỗ một thời ăn nên làm ra nay vẫn còn lại những gốc thông cổ thụ người ôm không xuể bên bãi cỏ xanh non nhấp nhô theo những triền đồi.

    Chuyện xưa kể rằng, Phja Oắc là gọi theo tên một loài gỗ quý hiếm (tiếng Tày gọi là mạy Oác) lâu năm hóa thành trầm tích, mùi thơm quyến rũ, có nhiều công dụng quý hiếm để chế dược liệu và thủ công mỹ nghệ dành cho cung đình và giới thượng lưu. 

    Song trầm tích Lê A - Phja Oắc có lẽ còn ít người biết đến chính là cấu trúc địa chất độc đáo của khu vực này. Mỗi lần đi qua Tài Soỏng - Phan Thanh, tôi dừng lại ngắm những bãi đá tròn thu lu dọc hai bên đường kéo thành từng vệt dài lên núi.

    Những tảng đá cuội nhiều kích thước xếp chồng lên nhau bị mưa nắng bào mòn nhẵn thín, thẫm màu sương gió làm tôi liên tưởng đến những bãi đá ở trên núi ven biển Phú Yên, Tuy Hòa, Nha Trang dọc Quốc lộ 1 mà các nhà địa chất gọi đấy là trầm tích của đại dương.

     Tôi cũng đã từng gặp trên sườn núi những cây mạy xạ (cây vối) thấp lùn xù xì, loài cây thường chỉ mọc ở bờ ao, sông, suối và những nơi có nhiều nước.

    Vùng này ở Cao Bằng, dưới đất là thiếc, bạc, vàng, nổi lên các hòn đá cuội to tướng - Ảnh 4.

    Đội khảo sát của Liên đoàn Địa chất xạ hiếm khoan thăm dò địa tầng dưới chân Phja Oắc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

    Kỹ sư Hà Thiệu, một thành viên trong đội khảo sát của Liên đoàn Địa chất xạ hiếm đang khoan thăm dò địa tầng ở khu vực rừng Tài Soỏng dưới chân Phja Oắc chia sẻ: Đúng là điều kỳ lạ, những hòn đá cuội ở đây rất giống những hòn đá ở ven biển miền Trung do hiện tượng bị bào mòn bởi sóng nước.

    Điều này lý giải chúng từng bị ngập dưới nước hoặc trên núi cao có dòng nước chảy rất mạnh trải qua hàng trăm năm. Cũng có thể đây là trầm tích của núi lửa phun trào từ đáy đại dương lên trong cơn đại hồng thủy kiến tạo nên vỏ trái đất. Nhiều dải đất ở đây có màu vàng đỏ, rất giống đất nham thạch của núi lửa (mác ma).

    Nhưng để kết luận cụ thể thì cần phải có những cuộc khảo sát chuyên ngành.  Các nhà khoa học cũng đã chứng minh thuở sơ khai hơn 70% bề mặt trái đất là nước, dãy núi Himalaya có đỉnh Chomolungma cao nhất thế giới là do sự dịch chuyển của Ấn Độ Dương va chạm với lục địa châu Á tạo thành.

    Cũng đúng thôi, bởi Phja Oắc - Phja Đén đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng tháng 4/2018 dựa trên các tiêu chí: trầm tích hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan thiên nhiên đá vôi, những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất với niên đại lịch sử cách đây ít nhất 500 triệu năm. 

    Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cũng được Tạp chí du lịch danh tiếng Insider của Hoa Kỳ tôn vinh là một trong 50 cảnh quan hấp dẫn nhất thế giới.

    Từ Phja Oắc xuôi về Phja Đén đi qua cánh rừng thông xanh vi vút gió ngàn, trong trẻo tiếng chim kêu gọi bầy, cảm giác mệt nhọc của một ngày leo núi gần như tan biến. Nhìn sang phía bên kia đồi Thành Công hiện lên những ngôi nhà sàn mái đỏ nổi bật giữa đồi chè xanh thoai thoải cắt thành tầng lớp, trông như một kỳ tích thu nhỏ của ruộng bậc thang vốn đã làm cho Thành Công trở thành xã anh hùng thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp. 

    Một thành quả rất đáng tự hào của người dân miền núi trong việc cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống. Một điểm tham quan nghỉ dưỡng mang tên Khu du lịch sinh thái Kolia đã được mở ra với nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển.

    Ngồi trên lầu Nghinh phong nhâm nhi tách trà thơm, thưởng thức ly rượu đông trùng hạ thảo được chưng cất tại chỗ ngay trong vườn nhà, nhìn ra khoảng không gian mênh mông thông thoáng, lâng lâng hương sắc hoa tươi, anh Hoàng Mạnh Ngọc - người con của quê hương Nguyên Bình là chủ doanh nghiệp khởi xướng và thành lập Công ty TNHH Kolia Cao Bằng tâm sự: Sau bao nhiêu năm bươn trải với nghề xây dựng, thành đạt đi liền với rủi ro, thất thoát bởi cơ chế thương trường, tôi thấy rằng cần phải đầu tư sản xuất ra sản phẩm hàng hóa mới tạo lập được nền tảng lâu bền.

    Đất ở đây còn nhiều, có thể mở nông trường lớn quy mô hàng trăm héc ta, nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào. Nếu như mình có thể tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương cũng là điều hạnh phúc.

    Từ kết quả nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng và tham quan học tập ở nhiều nơi, tham khảo cả các chuyên gia doanh nghiệp nước ngoài, năm 2012 anh quyết định trồng và chế biến chè đặc sản với quy trình khép kín, công nghệ tiên tiến theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, từ khâu ươm trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến.

    Vùng này ở Cao Bằng, dưới đất là thiếc, bạc, vàng, nổi lên các hòn đá cuội to tướng - Ảnh 7.

    Mạch nước Kolia ở Lê A - Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

    Nhìn gian hàng giới thiệu sản phẩm đa dạng các loại chè Ô Long, Trà tiên bát bảo, Hồng trà, chủ yếu là chè cao cấp đóng gói bao bì sang trọng dành cho xuất khẩu, giá cả có loại đến cả triệu đồng/kg. Thương hiệu chè hữu cơ Kolia đã được nhiều người biết đến. Ngoài  cây chè, đất đai, khí hậu ở đây còn thích hợp cho nuôi trồng đông trùng hạ thảo, một loại thần dược quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

    Đi đôi với chăn nuôi, trồng trọt  anh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút khách tham quan theo mô hình du lịch sinh thái, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên và phong cách ẩm thực đồng quê, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Kolia trở thành khu vui chơi nghỉ mát, hấp dẫn khách thập phương ngưỡng mộ Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

    Từ những nét khởi sắc và thành công của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, tự nhiên tôi lại suy nghĩ và liên tưởng: Trầm tích hay là tiềm năng, thế mạnh của Lê A - Phja Oắc - Phja Đén không chỉ nằm trong lòng đất có sắt, thiếc, bạc, vàng... Những kim loại dù quý giá bao nhiêu và có nhiều đi chăng nữa cũng chỉ là giới hạn, khai thác mãi cũng sẽ cạn kiệt; cũng như Mỏ Thiếc Tĩnh Túc một thời vàng son nay đã mai một. Chỉ có cảnh quan thiên nhiên, đất, rừng cùng với lao động sáng tạo của con người và cả những giá trị văn hóa phi vật thể mới thực sự là nguồn sản sinh vô tận và trường tồn.

    Cảm ơn chàng trai của đất Nguyên Bình! Trầm tích Cô Lê A đã đem lại cho vùng đất này những điều kỳ thú, trải qua hàng triệu năm được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh. Trách nhiệm của chúng ta là phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những di sản độc đáo hiếm có để làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống hôm nay và mai sau mãi mãi được thừa hưởng thành quả từ món quà vô giá mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng.


    Lã Vinh (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem