Vùng Than ở Bắc Ninh là vùng nào, lễ hội vùng Than tưởng nhớ tướng quân nào thời An Dương Vương?

Thứ hai, ngày 08/05/2023 05:10 AM (GMT+7)
Là một trong những lễ hội lớn nổi tiếng của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, lễ hội Cao Lỗ Vương (còn gọi lễ hội “vùng Than”) huyện Gia Bình có nhiều nét độc đáo và đặc sắc với ý nghĩa tưởng nhớ, khắc ghi công lao muôn đời của Tướng quân Cao Lỗ thời vua An Dương Vương.
Bình luận 0

 Tướng quân Cao Lỗ, một người con tài giỏi của quê hương Bắc Ninh có công giúp Vua An Dương Vương chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Tục truyền rằng, T­ướng quân Cao Lỗ là ng­ười Đại Than, châu Vũ Ninh, nay là xã Cao Đức, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) . Từ nhỏ ông đã đam mê và giỏi võ nghệ, có sức khỏe phi th­ường. Sau này, ông là người có công lớn trong việc thiết kế, xây dựng thành ốc Cổ Loa và chế tạo “nỏ thần” giúp An Dương Vương xây dựng và bảo vệ đất nước và được vua phong tước Hầu. 

Sau khi tướng quân Cao Lỗ mất, do đã có công với dân, với nước nên trải qua các đời vua, triều đại sau này đều có sắc phong ban tặng cho ông là Thượng đẳng Thần. Nhân dân quanh vùng tại quê hương ông cũng đã lập Đền thờ để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn của vị tướng quân trung nghĩa với nước, với dân. 

Cùng với gia phả, hiện tại đền thờ Cao Lỗ Vương vẫn còn bảo lưu được 20 đạo sắc phong do các triều Vua ban tặng. Sắc phong cổ nhất còn lưu lại có niên đại Cảnh Hương 4 (1796), sắc phong cận đại nhất có niên đại Khải Định 9 (1924).

Những năm qua được sự quan tâm của tỉnh, chính quyền, nhân dân địa phương và dòng họ Cao Việt Nam, toàn bộ khuôn viên khu lăng mộ và Đền thờ Tướng quân đã được tu bổ tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. 

Tọa lạc  tại nơi có cảnh quan sông nư­ớc hữu tình, Đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vư­ơng không chỉ có giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nhằm tôn vinh một danh nhân quân sự buổi đầu dựng n­ước mà còn đư­ợc xem là một điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn cho du khách gần xa.

Vùng Than ở Bắc Ninh là vùng nào, lễ hội vùng Than tưởng nhớ tướng quân nào thời An Dương Vương? - Ảnh 1.

Khu di tích Đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vương (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) được tu sửa khang trang.

Ghi công ơn và tưởng nhớ Tướng quân Cao Lỗ, cứ đến ngày mồng 9 và 10-3 (Âm lịch) hàng năm, tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Cao Lỗ Vương, nhân dân ở 8 thôn vùng Đại Than (Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Kênh Phố, Phù Than và Mỹ Lộc)  lại tổ chức rước kiệu, long đình đến Đền để tế lễ. 

Ngày hội không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Kinh Bắc, mà còn nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.

Năm nay, kỷ niệm 2.300 năm ngày sinh tướng quân Cao Lỗ Vương, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn. Theo kế hoạch, lễ hội diễn ra trong hai ngày 28 và 29-4 (tức ngày 9 và 10-3 Âm lịch). 

Ngay từ sáng mồng 9 tháng 3 âm lịch, Đền Cao Lỗ Vương đã được mở cửa để đại diện các làng đến làm lễ mộc dục (lau chùi ngai thờ, thay phẩm phục mới cho tượng thần). Đến sáng mồng 10, các làng đồng loạt tổ chức rước kiệu, long đình từ làng mình đến đền tế lễ Cao Lỗ Vương rồi xin rước bài vị của ngài về làng mình để tế lễ, mở hội. 

Đám rước kiệu thánh của tám làng với cờ quạt, võng lọng, kiệu, siêu đao, bát bửu,... tưng bừng, náo nhiệt cùng đông đảo người dân tham dự. Cùng với phần lễ hội theo truyền thống, các hoạt động văn hoá, thể thao, nghệ thuật đặc sắc khác cũng sẽ được tổ chức với không gian, quy mô mở rộng như: biểu diễn ca múa nhạc của của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; đồng diễn thể dục dưỡng sinh, võ thuật; các trò chơi dân gian; giới thiệu các sản phẩm, sản vật địa phương…

Đặc biệt, điểm nhấn trong Lễ hội năm nay là chương trình Giải vô địch Vật dân tộc toàn quốc năm 2023 sẽ được tổ chức tại sới vật thuộc cụm di tích đền thờ Cao Lỗ Vương với sự tham gia của 140 vận động viên, huấn luyện viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa, thông tin huyện Gia Bình,  Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội Cao Lỗ Vương cho biết: Để chuẩn bị cho Lễ hội và giải đấu Vật diễn ra thành công, đảm bảo an toàn, văn minh, mọi công tác chuẩn bị đều được Ban tổ chức từ huyện đến xã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tích cực triển khai thực hiện, sới vật được tu sửa khang trang, đáp ứng đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia. 

Việc bố trí nơi ăn ở của các đoàn về tham gia giải đấu vật cũng được BTC lên kế hoạch chi tiết. Nhân dân các địa phương tích cực dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng khu đình chùa, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy được thực hiện…

Lễ hội Cao Lỗ Vương là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, quảng bá cụm di tích đền, đình, lăng mộ tướng quân Cao Lỗ Vư­ơng, thể hiện tấm lòng tri ân, công đức đối với t­ướng quân Cao Lỗ, trách nhiệm của huyện đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây cũng là dịp để nhân dân trong huyện, hậu duệ dòng họ Cao trên khắp cả nư­ớc, cũng nh­ư du khách gần xa hiểu biết thêm về công lao dựng nư­ớc và giữ n­ước của vị tướng tài.



N.Hải (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem