Vướng luật, cao tốc TP.HCM - Trung Lương nêm chật xe cộ

Hồng Trâm Thứ tư, ngày 08/03/2023 11:19 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã quá tải, việc mở rộng dự án tăng làn xe được đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, hiện chưa có phương án khả thi để triển khai vì vướng luật.
Bình luận 0

Cấp thiết mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài khoảng 62km. Giai đoạn 1 của cao tốc đã được đưa vào khai thác cách đây đã hơn 13 năm với 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp.

Hiện tại, lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đường rất lớn khiến tuyến đường trên thường xuyên quá tải. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm, lễ Tết, người dân từ TP.HCM đổ về các tỉnh miền Tây và ngược lại khiến cao tốc ùn tắc nghiêm trọng. Đáng chú ý, vì đường hẹp, phương tiện đông, nhiều trường hợp tài xế đã cho xe chạy vào làn khẩn cấp gây ảnh hưởng an toàn giao thông.

Anh Nguyễn Toàn (tài xế xe khách tại TP.HCM) cho biết, những ngày lễ, Tết chở khách từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre luôn là nỗi ám ảnh với cánh lái xe. Có những hôm cao tốc TP.HCM - Trung Lương kẹt cứng, anh Toàn phải mất đến 2 tiếng mới di chuyển ra khỏi cao tốc.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương quá tải: Chưa có phương án khả thi để mở rộng - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường quá tải. Ảnh: I.T

Trước tình hình trên, tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô quy hoạch.

Theo tiến độ dự kiến, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ hoàn thành tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2023.

Đến năm 2024, sẽ hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.

Khó mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương bằng BOT

Liên quan đến dự án trên, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, về phương án đầu tư, thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án, gồm: Đầu tư công; phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); phương thức PPP, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương quá tải: Chưa có phương án khả thi để mở rộng - Ảnh 3.

Chưa có phương án khả thi mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, Sở GTVT cho rằng hiện nay các phương án đầu tư có một vài khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như trường hợp đầu tư công thì việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc và các tuyến đường nối thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Tuy nhiên, hiện nay Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa có dự án này.

Bên cạnh đó, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương bằng BOT cũng khó thực hiện vì vướng luật. Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM cho rằng trường hợp đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức đối tác công tư (PPP) - loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cũng vướng quy định hiện hành.

Nếu việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hiểu là mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có thì không thể thực hiện được theo hình thức BOT vì luật hiện không cho phép.

Việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ có thể nghiên cứu thực hiện theo hình thức hợp đồng khác của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) như BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương quá tải: Chưa có phương án khả thi để mở rộng - Ảnh 4.

Việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương bằng BOT khó triển khai vì vướng luật. Ảnh: H.T

"Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện và chưa có dự án nào được cấp thẩm quyền phê duyệt theo hình thức này. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu", Sở GTVT TP phân tích.

Vì vậy, Sở GTVT TP kiến nghị trường hợp đầu tư công, Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn ngân sách Trung ương thực hiện dự án hoặc bố trí kết hợp vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương tham gia dự án.

Trường hợp đầu tư PPP, kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu dự án. Trước đó, cả TP.HCM và tỉnh Long An đều kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo các chuyên gia, để sớm hoàn thành hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch, phát huy hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc, vành đai đang triển khai, việc sớm đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem