Vướng mắc về quy định xuất xứ, hàng Việt khó tiếp cận CPTPP
Không xác định được xuất xứ, khó tận dụng cơ hội
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Các DN trong nước khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Theo thông tin của Bộ KH&ĐT, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, DN, cơ quan chức năng, khả năng tận dụng các ưu đãi từ CPTPP của Việt Nam còn thấp. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, bộ Công thương cho biết, trên thực tế, ngay các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như may mặc, nông sản… mới đáp ứng được 1,17% đến 4% trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu vùng CPTPP là còn rất thấp.
Cụ thể, hàng xuất theo mẫu CPTPP mới đạt mức 190 triệu USD trên tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa xuất khẩu tương ứng với 1,17%. Hai ngành thế mạnh là giày dép và thép cũng chỉ trên dưới 10%, còn lại các ngành thuỷ sản, hạt điều, hồ tiêu, may mặc… chỉ tận dụng được 3 – 4%.
"Cửa" ra thế giới đã mở nhưng hàng hóa Việt Nam có vào được?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nguyên nhân của tình trạng trên là do DN thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện, tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó…
Thông tin từ VCCI, qua các cuộc khảo sát trên 8.600 DN về sự quan tâm với CPTPP cho thấy, 26% DN có tìm hiểu, nhưng vẫn có tới hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP.
Bà Trịnh Minh Hiền, Cục Xuất nhập khẩu, bộ Công thương cho hay, CPTPP mang lại cơ hội được giảm thuế rất lớn từ 11 nước, đây là một cơ hội rất lớn mà DN phải tận dụng.
“Đơn cử như với mặt hàng giày dép NK vào Canada nếu không có CPTPP thì sẽ chịu mức thuế NK 18%, còn nếu có C/O CPTPP thì sẽ được xem xét để hưởng mức thuế thuế 0%. Tương tự, sản phẩm dệt may có C/O CPTPP cũng sẽ được giảm thuế từ 16-17% xuống 0%.
Nằm trong khối CPTPP có 3 thị trường Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại song phương là Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, các DN vẫn được hưởng thuế ưu đãi nếu đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ, cụ thể là phải có C/O CPTPP.” Bà Hiền nói.
Ngoài ra, bà Trang thông tin thêm, đạt được các quy tắc xuất xứ hàng hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai tìm kiếm nguồn cung mà cần cả một chặng đường cụ thể, thậm chí phải thay đổi cả quy trình sản xuất. Do vậy, nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng ưu đãi mà CPTPP mang lại.
Vì sao quy tắc xuất xứ vẫn là “gánh nặng” với DN Việt?
Theo tiến sĩ (TS) Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, quy tắc xuất xứ khó khăn, các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm liên tục thay đổi trong khi khả năng của DN còn yếu gây giảm năng lực cạnh tranh.
“Hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường lớn rất phức tạp, đối với hàng nông sản cần quy hoạch HTX, phải có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, có các chứng chỉ được châu Âu công nhận. Chúng tôi đã đi khắp Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đa phần các vùng trồng còn không có chứng chỉ GlobalGAP.” TS. Đào Thế Anh nói.
Ngành hàng may mặc gặp khó trong việc xác định xuất xứ theo tiêu chuẩn CPTPP.
Đồng quan điểm trên, theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp, tiềm năng sản xuất của nông nghiệp Việt Nam hay nông sản Việt đạt tiêu chuẩn vào thị trường CPTPP còn rất hạn chế.
“Theo tôi, hiện nay, chúng ta đang thiếu tổ chức sản xuất, thiếu công nghệ chế biến, thiếu logistics. Hai nữa, chúng ta liên kết chuỗi lợi ích mà không thể không có doanh nghiệp và chính sách.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất manh mún, tỉ lệ nông dân, hộ nông dân quá nhiều, muốn đáp ứng được thị trường lớn chúng ta phải nhờ doanh nghiệp lớn cùng tham gia. Khi doanh nghiệp lớn cùng vào làm, có chính sách tốt hỗ trợ mới tốt cho nông nghiệp. Còn để người nông dân tự làm sẽ nhỏ lẻ và rất khó.” TS. Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ với nông sản, ngành hàng dệt may, một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng đang lúng túng trước những quy định ngặt nghèo, chồng chéo về xuất xứ sản phẩm.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, theo thông tin về CPTPP, ngành dệt may phải chấp nhận quy tắc xuất xứ cao là từ sợi mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
Các DN thực hiện đúng quy trình sản xuất dệt may bắt đầu từ bông hoặc sợi sang kéo sợi, dệt vải, nhuộm, dệt may, mua bông của Mỹ và các nước Tây Phi về làm nguyên liệu. Nhưng tới khi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thì được trả lời là chỉ cấp xuất xứ từ bông chứ không thể từ sợi.
“Cá nhân tôi nghĩ có thể ở một góc độ nào đó, lời văn trong Hiệp định CPTPP chưa tường minh, tuy nhiên khi chưa tường minh thì chúng ta cũng nên xử lý theo hướng bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho DN. Sau này, nếu bất cứ quốc gia nào trong khối CPTPP khiếu nại, chúng ta có quyền đàm phán song phương với họ. Không việc gì phải chọn phương án xấu nhất cho cộng đồng DN Việt Nam”, ông Trường nói.
Về vấn đề này, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bày tỏ quan điểm đồng tình. Ts. Thành cho rằng các DN nên đi học để nắm được các quy tắc, tránh tình trạng như trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ nhưng đa phần các DN không thể tự làm.
“Đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia cuộc chơi của các FTA với các nước, các thị trường lớn. Ngoài ra, DN cũng cần đồng hành với Chính phủ để phản ánh những bấp cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.” Ts. Võ Trí Thành thông tin thêm.