Vượt ‘bão’ Covid lần 2, doanh nghiệp BĐS cần điểm tựa nào?

V.D Thứ sáu, ngày 25/09/2020 12:57 PM (GMT+7)
Để có thể vượt qua dịch Covid lần thứ 2, doanh nghiệp BĐS cần có chiến lược dài hơi và xem xét áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình giới thiệu, chào bán sản phẩm và quản lý vận hành.
Bình luận 0

Báo cáo thị trường BĐS đến cuối tháng 8/2020 của Bộ Xây dựng và các đơn vị nghiên cứu cho thấy, dịch Covid tái bùng phát lần 2 đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp địa ốc có "sức đề kháng" yếu đã phải giải thể, đóng cửa trước "cú đấm bồi" này của dịch bệnh.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội nhận định, có 3 yếu tố trọng tâm mà các doanh nghiệp BĐS cần lưu ý để vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn này và vực dậy sau khi hết dịch.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần quan tâm đến yếu tố pháp lý. Pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm. Trong trường hợp không bán ngay được sản phẩm thì doanh nghiệp vẫn tìm được các phương án phù hợp để tạo ra tính thanh khoản, hỗ trợ quá trình đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có những dòng sản phẩm không phù hợp kinh doanh vào thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần rà soát lại các đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác. 

Đơn cử, các chủ đầu tư hiện nay hướng đến việc đầu tư vào bất động sản đô thị có khung pháp lý tốt ở nhiều tỉnh thành. Những dòng sản phẩm này sẽ hướng nhiều đến thu hút khách hàng tại địa phương, sau đó là khách từ các địa phương lân cận, đồng thời sẽ gia tăng và mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu nếu có chất lượng cạnh tranh tương đồng với các sản phẩm ở đô thị lớn.

BĐS

Để có thể vượt qua được “cơn bão” Covid lần thứ 2, doanh nghiệp BĐS cần có chiến lược dài hơi và xem xét áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình giới thiệu, chào bán sản phẩm và quản lý vận hành. Ảnh: V.D

Thứ ba, yếu tố hoàn thiện hệ sinh thái của dự án rất cần được coi trọng như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn, hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác, như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng. 

Theo nữ chuyên gia của Savills, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho quá trình triển khai các dự án chậm lại, nhưng đây cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phải áp dụng công nghệ 4.0 vào việc hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý và vận hành bất động sản.

Nếu các chủ đầu tư lớn có điều kiện, chi phí đầu tư nhiều, làm ra các sản phẩm bài bản, sẽ tạo được sự khác biệt trong tương lai. Tuy nhiên các chủ đầu tư ở quy mô và năng lực vừa phải hơn, thì nên tính đến việc tích hợp công nghệ 4.0 ở mức có thể.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường. 

Bà Hương thừa nhận khi dịch bệnh bùng phát lần một, công ty đã có nhiều bỡ ngỡ nhưng với lần thứ 2, kế hoạch vượt qua khủng hoảng đã được xây dựng. Với nguồn lực được chuẩn bị sẵn, bà Hương nói doanh nghiệp xác định sống chung với dịch bệnh trong 6 - 12 tháng và có lộ trình để hồi phục sau đó. Theo quan điểm cá nhân, bà cho rằng quý 2, quý 3/2021, thị trường sẽ từng bước hồi phục. 

Thời điểm này là giai đoạn củng cố, chuẩn bị từ nguồn lực, tổ chức bộ máy cho đến chuẩn bị sản phẩm để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục trong 12 - 24 tháng tới. Dịch bệnh gây nên khủng hoảng nhưng chỉ là khủng hoảng ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn có niềm tin và đường hướng phát triển dài hạn.

"Thay vì "ngủ đông" chúng ta biến thời gian này thành kế hoạch hành động và chuẩn bị cho việc hồi phục sau đại dịch. Lịch sử đã chứng minh, sau mỗi thảm họa sức trỗi dậy lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết," bà Hương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem