Washington hoang tưởng khi "dán nhãn" thao túng tiền tệ với Trung Quốc?
Báo Trung Quốc: Washington đang "hoang tưởng" khi dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ
Trump có đang hoang tưởng?
Một tin tức đăng tải trên tờ South China Morning Post hôm 6.8 đã khẳng định Washington là kẻ "hoang tưởng" khi dãn nhãn thao túng tiền tệ với Trung Quốc.
Hôm 5.8, sau khi tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên sau đại suy thoái 2008, Tổng thống Trump đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ. Chỉ ít giờ sau đó, Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức dán nhãn thao túng tiền tệ với Trung Quốc, một động thái đẩy xung đột thương mại lên đỉnh điểm. Chứng khoán toàn cầu nhanh chóng sụt giảm, cổ phiếu giảm mạnh kéo theo tỷ giá tiền tệ thế giới lao đao.
Đáp lại điều này, Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng tuyên bố, rằng Bắc Kinh không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh tiền tệ với Washington. Hôm nay 7.8, PBOC cũng neo tỷ giá NDT ở mức 6,983 NDT đổi 1 USD, điều làm sự suy yếu của đồng NDT diễn ra chậm rãi hơn. Hàng loạt cơ quan phát ngôn của Trung Quốc cũng lên tiếng phản bác luận điệu “hoang đường” của chính quyền ông Trump.
Trong một lập luận của PBOC mà giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi là đáng tin cậy, thì Bắc Kinh gần như không có lợi gì từ việc suy yếu đồng NDT trong môi trường kinh tế hiện tại. Và bất kỳ diễn biến nào trên thị trường tiền tệ là kết quả tự nhiên của diễn biến thị trường, không nằm trong một ý đồ chính trị nào khác.
“Quốc tế cho rằng sự trượt dốc của đồng NDT là một biện pháp đối phó của Bắc Kinh với cuộc chiến tranh thương mại mà ông Donald Trump khai mào. Thực chất, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất thực hiện cơ chế kiểm soát vốn, tỷ giá NDT không được tự do chuyển đổi”.
“Nhưng bất kỳ loại tiền tệ nào cũng sẽ suy yếu một khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, và PBOC sẽ đảm bảo duy trì bình ổn tỷ giá đồng NDT. Bởi Bắc Kinh không đạt được gì khi cố ý hạ giá tiền tệ trong tình huống hiện tại”.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cũng đổ lỗi cho thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump là nguyên nhân gây ra sự giảm tốc trong tăng trưởng GDP (từ 6,4% trong quý I xuống 6,2% trong quý II, mức tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm qua). Do đó, việc NDT trượt giá có nguyên nhân phần lớn là từ những hành động của ông Trump chứ không phải Trung Quốc.
Ngân hàng này cũng khẳng định họ tự tin có đủ năng lực, nguồn lực duy trì tỷ giá đồng NDT về ngưỡng hợp lý và cân bằng.
Tờ South China Morning Post làm rõ quan điểm của PBOC: “Đối với một nền kinh tế Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu và đẩy mạnh chi tiêu tiêu dùng - đổi mới kinh tế, một sự suy yếu đồng NDT sẽ tạo ra lạm phát và “chảy máu dòng vốn”. Chính quyền có động cơ gì để hành động như vậy tại thời điểm rủi ro suy thoái kinh tế đang lên cao?”
Tờ này cũng cáo buộc động cơ của ông Trump trong việc đẩy thương chiến leo thang là thúc giục Trung Quốc tiến tới đàm phán thương mại trước khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 bắt đầu. “Nhưng với việc tăng cường thuế quan và hạn chế xuất khẩu với các công ty công nghệ toàn cầu như Huawei, ông Trump chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Mỹ lao đao. Mục đích của ông Trump khi dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ dường như là để gây sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang FED cắt giảm lãi suất” - South China Morning Post nhận định. Phải chăng dán nhãn thao túng tiền tệ với Trung Quốc chỉ là sự “hoang tưởng” của ông Trump.
Thao túng tiền tệ hay không không quan trọng, vì IMF sẽ chẳng có hình phạt nào với Trung Quốc!
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ làm việc với IMF về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, nhưng nhiều khả năng sẽ chẳng có trừng phạt nào
Việc Trung Quốc có thao túng tiền tệ hay không đang gây tranh cãi mạnh mẽ ngay cả với các nhà phân tích. Việc đồng NDT bất ngờ xuyên ngưỡng 7 NDt đổi 1 USD lần đầu tiên trong 11 năm, ngay sau tuyên bố áp thuế của ông Trump đã gây ra nỗi ngờ vực lớn rằng Bắc Kinh thực sự muốn châm ngòi chiến tranh tiền tệ. Từ lâu nay, ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc như một trong những quốc gia cố tình hạ giá tiền tệ để hưởng lợi thế cạnh tranh không công bằng trong chiến tranh thương mại.
Theo như tiêu chí để dán nhãn thao túng tiền tệ của Kho bạc Mỹ, một quốc gia sẽ bị coi là thao túng tiền tệ nếu đáp ứng 3 tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 40 tỷ USD trở lên, thặng dư tài khoản vãng lai ít nhất 2% GDP và liên tục có hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tiền tệ ở mức suy yếu, với tích lũy dự trữ ngoại hối ít nhất 2% GDP trong 6-12 tháng trước đó. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này mới chỉ có tiêu chí đầu tiên là phù hợp.
Trong tiêu chí thứ 2, thặng dư tài khoản vãng lai hiện tại của Trung Quốc là khoảng 0,4% GDP, theo dữ liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ít hơn nhiều con số 2%. Trong 4 năm qua, thặng dư tài khoản vãng lai nước này đã giảm mạnh từ mức 2,7% trong năm 2015%. Không có dấu hiệu nào cho thấy nước này đang cố gắng đẩy mạnh thặng dư tài khoản vãng lai thông qua thao túng tiền tệ.
Với tiêu chí thứ 3, Trung Quốc đã ngừng tích lũy thêm dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây. Dự trữ ngoại hối ổn định ở mức 3,1 nghìn tỷ USD trong 2 năm qua.
Hồi tháng 5.2019, Kho bạc Mỹ đã không dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ vì những tiêu chí chưa đáp ứng này. Nhưng cơ quan này đã thay đổi quyết định hôm 6.8, sau khi tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng tâm lý 7. Nhiều nhà kinh tế thậm chí chỉ trích quyết định đảo ngược của Kho Bạc cũng “tùy tiện” như quyết định áp thuế Trung Quốc của ông Trump. “Thực tế, có nhiều lý do để đồng NDT suy yếu, nhất là sau khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và lại bị ông Trump dọa giáng đòn thuế quan trong căng thẳng thương chiến leo thang” - nhà kinh tế Jeffrey Sachs từ CNN nhận định.
Dù Trung Quốc thực sự có ý đồ thao túng tiền tệ hay không, thì nước này nhiều khả năng sẽ không phải chịu một trừng phạt cụ thể nào từ Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, bất chấp nỗ lực làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Đơn giản là vì không có cơ sở cụ thể, rõ ràng nào để khẳng định chắc chắn Trung Quốc thao túng tiền tệ. Và việc dán nhãn thao túng tiền tệ phần nhiều chỉ có ý nghĩa tượng trưng và khiến quốc gia bị dán nhãn mang danh tiếng xấu trong thương mại quốc tế.
Nhiều khả năng, đến cuối cùng, một “bản tóm tắt quan điểm” về thao túng tiền tệ và các cảnh báo sẽ được IMF truyền đạt tới Trung Quốc, như một biện pháp tượng trưng.