WHO lo lắng trước vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19

Thứ năm, ngày 26/08/2021 06:51 AM (GMT+7)
Mỹ đã mua 1,5 tỷ mũi vaccine Covid-19, đủ để tiêm chủng hai mũi cho toàn bộ dân số của mình, đồng thời hứa sẽ xuất khẩu thêm 500 triệu mũi nữa trong năm tới. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tạm dừng các chiến dịch của họ khi nguồn cung dần cạn kiệt.
Bình luận 0
WHO tỏ ra lo lắng trước vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 1.

WHO tỏ ra lo lắng về sự bất bình đẳng trong việc phân chia vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Sputniknews

Mỹ và một số quốc gia khác đang bắt đầu cung cấp các mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ ba cho người dân của họ, trong bối cảnh WHO đưa ra đề nghị đối với những quốc gia giàu có nhất thế giới, đó là hãy giúp người dân ở các quốc gia nghèo hơn trên thế giới được tiêm chủng đợt đầu tiên.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Budapest hôm 23/8 rằng: "Sự bất công về vaccine và chủ nghĩa dân tộc về vaccine đang cho phép các biến thể Covid-19 mới xuất hiện, gây ra nhiều ca tử vong hơn và kéo dài đại dịch trên toàn hành tinh."

"Một số quốc gia đang tiêm liều tăng cường cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi nhiều người ở các nước nghèo nhất vẫn chưa được tiêm một liều nào, bao gồm cả nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác", người đứng đầu WHO cho biết.

"Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi ngừng sử dụng vaccine tăng cường trên toàn cầu cho đến ít nhất là cuối tháng 9, để cho phép những quốc gia nghèo có thể bắt kịp."

Ông nói thêm rằng công bằng vaccine không chỉ đúng về mặt đạo đức hay thông minh về mặt kinh tế, "nó là lợi ích tốt nhất của mỗi quốc gia."

Ông cho biết thêm: "Tình trạng bất bình đẳng về vaccine càng kéo dài, virus càng có nhiều cơ hội lây lan và phát triển thành các biến thể nguy hiểm hơn, kéo dài đại dịch và gây gián đoạn kinh tế, xã hội".

Tedros kêu gọi "các quốc gia có tiềm lực về tài chính và địa chính trị" đẩy mạnh và thu hẹp khoảng cách tiêm vaccine, thay vì tập trung vào việc tiêm chủng cho công dân của họ trước tiên.

Ông lưu ý rằng trong số 4,8 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu, 75% đã được sử dụng chỉ bởi 10 quốc gia.

WHO tỏ ra lo lắng trước vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều nước phát triển trên thế giới đang tiến hành mũi tiêm nhắc lại cho người dân. Ảnh: Finacial Times

Trong khi gần một nửa số mũi tiêm đó đã được sử dụng ở Trung Quốc, quốc gia này cũng đã xuất khẩu hơn 770 triệu liều vaccine cho nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, bao gồm hầu hết  các quốc gia ở châu Phi, và dự kiến sẽ xuất khẩu thêm 1,5 tỷ trước khi kết thúc năm 2021.

Mục tiêu của WHO là mỗi quốc gia có ít nhất 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng tới và đạt 40% trước khi hết năm, với mục tiêu xa hơn là 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022. Tedros nói rằng hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã đạt được mục tiêu 10% tiêm chủng.

Mỹ đã tiêm chủng cho 51,6% dân số và Israel đã đạt mức cao tới 80%, nhưng trên toàn lục địa châu Phi, chưa đến 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu của WHO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã thông báo rằng kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho một số người nhận vắc xin Pfizer và Moderna đầu tiên ở Mỹ sẽ được tiến hành bắt đầu từ ngày 20/9. Chính quyền cũng khuyến nghị rằng người Mỹ nên tiêm mũi thứ ba sau 8 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai, để tăng cường phản ứng miễn dịch và bảo vệ tốt hơn chống lại biến thể Delta.

Các quốc gia khác đang cung cấp mũi tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 bao gồm Israel, Anh, Hungary, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada và Trung Quốc.

Lê Phương (Sputniknews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem