World Bank: Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng

Theo mekongasean.vn Thứ hai, ngày 13/03/2023 14:36 PM (GMT+7)
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2023, các chuyên gia World Bank khẳng định, Việt Nam hiện vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng như thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm.
Bình luận 0
World Bank: Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,3%

Ngày 13/3, Ngân hàng thế giới Việt Nam công bố báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng". Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

Trong khi đó, tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi. Triển vọng của Việt Nam phản ánh những bất định gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro theo hướng suy giảm bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro. Cùng với đó là điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém, và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.

"Nhìn chung rủi ro đang được cân bằng. Khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính", báo cáo lưu ý.

4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng cho khu vực dịch vụ

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

"Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Chúng tôi tập trung phân tích ngành dịch vụ của Việt Nam để đánh giá tiềm năng đóng góp của ngành này vào năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế trong trung và dài hạn", Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

World Bank: Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 2.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo World Bank, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philipines, Indonesia,...

Để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Theo đó, nhóm chuyên gia World Bank chỉ ra 4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng để khu vực dịch vụ đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Thứ nhất, xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo World Bank, Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy những lĩnh vực dịch vụ "xương sống" - như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, và bảo hiểm - vẫn phải đang đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn và chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những rào cản đó những năm gần đây.

Ví dụ, vận tải hàng hóa vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa (vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tương ứng tối đa 51% và 49%).

Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình.

Tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý.

Cuối cùng, tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến. Chẳng hạn, theo các chuyên gia, dịch vụ số có thể đóng vai trò lớn nhằm đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động chế tạo chế biến, do hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem