Xã hội hóa trùng tu và khai thác di sản Huế: Chưa từng có tiền lệ

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 29/12/2017 14:30 PM (GMT+7)
Việc xã hội hóa trùng tu và khai thác di tích tại hệ thống quần thể di tích cố đô Huế là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Bình luận 0

Sáng nay (29.12), nguồn tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cơ quan này đã có chủ trương xây dựng đề án Xã hội hóa công tác trùng tu và khai thác di tích tại hệ thống quần thể di tích cố đô Huế. Hiện đề án đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, triển khai.

Vừa qua, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức, trả lời câu hỏi của các PV về đề án này, ông Mai Xuân Minh- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế- cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh, đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu nhằm xây dựng phương án trình UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sau đó, một doanh nghiệp có tên LOGI3 báo cáo phương án đến UBND tỉnh. 

img

Trùng tu Triệu Miếu tại Hoàng thành Huế.Ảnh: TTBTDTCĐ Huế.

Về phía UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, theo ông Minh, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập một tổ công tác liên ngành để hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có người của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cung cấp các thông tin liên quan cho nhà đầu tư.

Ông Minh cho biết thêm: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã xin ý kiến UBND tỉnh chờ kết quả báo cáo của Công ty LOGI3 để xác định nội dung cụ thể mà doanh nghiệp này muốn đầu tư xã hội hóa. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ có cơ sở để xây dựng mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả.

Ông Minh nói, việc xã hội hóa trùng tu và khai thác di tích tại hệ thống quần thể di tích cố đô Huế là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam nên phải hết sức cẩn trọng. Ngoài ra, theo ông Minh, việc xây dựng, thực hiện đề án cũng gặp một số vướng mắc bởi những quy định của Nghị định 109/NĐ-CP quy định về việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Điều 15 Nghị định 109/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 10.11.2017) quy định tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới là  tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và giữ gìn toàn diện di sản thế giới, được thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, việc giao cho đơn vị tư nhân trùng tu và khai thác di sản Huế là chưa bảo đảm thực hiện đúng Điều 15 của Nhị định 109 và đây là điều khiến nhiều người quan ngại.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn những thông tin xung quanh đề án, PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông Cao cho biết, vì đề án đang nghiên cứu nên chưa thể cung cấp thông tin và thông tin sẽ được cung cấp khi đề án cơ bản hoàn thành.

Dư luận ở Huế cho rằng trong quá trình xây dựng đề án này, phía tỉnh Thừa Thiên- Huế nên lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem