Xa lộ Hà Nội: Rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

PV Thứ hai, ngày 21/12/2020 15:59 PM (GMT+7)
Trong các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, tuyến đường xa lộ Hà Nội được nâng cấp mở rộng, nối giữa TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai là một điểm sáng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả vùng.
Bình luận 0

Tuyến đường này không chỉ là trục giao thông quan trọng kết nối các cảng, KCN của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…, mà còn kết nối với các đường vành đai để hoàn thiện hệ thống giao thông từ TP.HCM - trung tâm kinh tế chính trị lớn nhất nhì cả nước, với các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và cả nước.

Kết nối toàn vùng

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội đã hoàn thành trên 76% khối lượng. Trong đó, trục đường chính đã hoàn thành 100%, còn lại là đường song hành hai bên còn một số điểm chưa hoàn thành do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Từ đây, tuyến giao thông được đánh giá là hiện đại bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM, trở thành một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng không chỉ của TP.HCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xa lộ Hà Nội: Rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đã chính thức được thông xe từ cuối năm 2019.

Ý tưởng mở rộng xa lộ Hà Nội được hình thành từ hơn chục năm trước và được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch lộ giới từ năm 2005. Khi đó, lượng xe lưu thông từ khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… đổ về TP.HCM và các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ hầu như phụ thuộc vào tuyến đường duy nhất này, khiến cho giao thông cả tuyến đường trở nên quá tải. Việc sớm quy hoạch, xây dựng mở rộng tuyến đường này nhằm tạo thêm một trục giao thông quan trọng để các tỉnh thành có thể kết nối với TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực là hết sức cần thiết.

Theo tính toán của các chuyên gia, với việc mở rộng tuyến đường xa lộ Hà Nội, thời gian vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các nhà máy, doanh nghiệp tới các cảng như: cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, KCN Cát Lái… nhanh hơn rất nhiều. Qua đó, tuyến đường giúp tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được TP.HCM chủ động thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, thông qua huy động vốn từ doanh nghiệp, không "xin hỗ trợ vốn" của Trung ương, cũng như không thực hiện toàn bộ bằng vốn Ngân sách thành phố. Cụ thể, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được chính thức khởi công ngày 2/4/2010, theo hợp đồng giữa Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) và UBND TP.HCM. Với cách làm Nhà nước lo giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp lo vốn xây dựng, kết quả có được tuyến đường được mở rộng, đã và đang phát huy đúng vai trò của nó, vừa góp phần kết nối giao thông khu vực cửa ngõ TP vào các quận trung tâm, vừa tạo ra hành lang thông thoáng với các tỉnh, thành lân cận.

Gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng

Có một thực tế là mặc dù tuyến đường xa lộ Hà Nội được mở rộng rất nhiều nhưng có thể vẫn không theo kịp tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu lưu thông cao. Vì thế, trên tuyến đường này ở một số điểm giao thông vẫn còn "nóng" tình trạng tắt nghẽn giờ cao điểm như khu vực ngã tư Bình Thái và các lối dẫn vào cảng IDC, cảng Phúc Long,… Nguyên nhân là do lượng xe container rất nhiều, có thời điểm lên đến 200-300 xe container ra vào cùng lúc.

Xa lộ Hà Nội: Rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để giảm ùn tắc giao thông

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, người dân ở khu vực ngã tư Bình Thái cho hay, không thể phủ nhận tuyến đường xa lộ Hà Nội đã đổi thay từng ngày, mặt bằng càng trở nên thông thoáng hơn. Tình trạng tai nạn giao thông cũng giảm nhiều so với thời điểm trước đây khoảng chục năm. Tuy nhiên, do lượng xe container lưu thông ra vào các cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, KCN Cát Lái… khá nhiều nên việc trông chờ hết kẹt xe thì rất khó.

"Gần đây, lượng dân cư đổ dồn về khu vực quận 9, Thủ Đức sinh sống rất nhiều khiến xa lộ Hà Nội trở thành trục đường giao thông chính. Vì thế, việc mở rộng tuyến đường này, đặc biệt là nhanh chóng hoàn thành các tuyến đường song hành để sớm giảm bớt áp lực giao thông là điều cấp bách", ông Nguyên nói.

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để giảm ùn tắc giao thông nhưng đến nay vẫn đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng. Do dự án đi qua nhiều quận, huyện và một phần của Bình Dương nên sở đang rà soát và làm việc cụ thể với chủ đầu tư, địa phương để xác định lại tiến độ của từng đoạn đang gặp vướng mắc. Từ đó sẽ cùng với nhà đầu tư xây dựng để tháo gỡ các vướng mắc này.

Còn theo ý kiến từ phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Thanh Nam – Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án xa lộ Hà Nội khẳng định, phần đường chính xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến Đại học Quốc gia TP.HCM đã xong và đưa vào khai thác mấy năm nay, chỉ còn đường song hành chưa hoàn thành. Đoạn qua TP.HCM, đường song hành phía bên trái, quận 2 và Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng xong nhưng vấn đề là phải phối hợp với một số dự án khác. 

"Như dự án vệ sinh môi trường nước thành phố, giai đoạn 2, dự án đường ống cấp nước sạch; Những dự án này có hệ thống cống nước thải, ống cấp nước sạch nằm sâu dưới lòng đường, phải để dự án này triển khai trước. Nếu mình làm trước rồi sau này họ lại đào lên làm nữa thì lãng phí. Còn phần đường sắt Bến Thành – Suối Tiên phải chờ phối hợp để triển khai đồng bộ", ông Nam cho biết.

Ngoài ra, phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 2,2 km vẫn chưa được bàn giao mặt bằng và hiện công tác này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thực hiện chủ đầu tư. "Chúng tôi đã có báo cáo lên UBND TP, nếu có mặt bằng sạch thì phần TP.HCM chỉ trong sáu tháng kể từ lúc bàn giao mặt bằng là chúng tôi làm xong, phần Bình Dương là 12 tháng", ông Nam cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem