Xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thuận ở Kiên Giang thu nhập bình quân đầu người 64,3 triệu đồng

Ngọc Quyên Thứ hai, ngày 17/04/2023 06:05 AM (GMT+7)
Xã Ngọc Thuận (huyện Giồng Riềng) đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người ở xã Ngọc Thuận hiện đạt 64,3 triệu đồng.
Bình luận 0

Có được thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở xã Ngọc Thuận có đóng góp của kinh nghiệm quý báu trong việc làm tốt công tác "Dân vận khéo".

Xã nông thôn mới khéo vận động xây cầu, tặng nhà

Vào tháng 1/2023, xã Ngọc Thuận được UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Về xã những ngày này, du khách gần xa dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ nét.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Thuận tiếp tục chung sức, đồng lòng nâng cao 19/19 tiêu chí.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thuận - Ảnh 1.

Xã Ngọc Thuận đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 1. Ảnh: NQ.

Theo UBND xã Ngọc Thuận, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã xác định tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí còn thấp như tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 10 về thu nhập. Đây được coi là một thách thức rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhờ làm tốt công tác vận động, nhiều cầu dân sinh trên địa bàn xã Ngọc Thuận được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thuận - Ảnh 2.

Nhờ dân vận khéo, xã vận động được mạnh thường quân xây cầu, làm nhà cho hộ nghèo. Trong ảnh: Ông Đinh Công Thạch (thứ 2, từ phải qua) - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ngọc Thuận chia vui cùng người dân ấp Vinh Thuận trong ngày khánh thành cầu Thuận Duyên - Đồng Hương 137. Ảnh: NQ.

Đơn cử như cầu Thuận Duyên - Đồng Hương 137 có kết cấu bê tông, cốt thép được khánh thành đưa vào sử dụng thay cho cầu cũ đã hư hỏng từ tháng 10/2022. Để có được công trình trị giá gần 360 triệu đồng này, xã Ngọc Thuận vận động đoàn từ thiện tài trợ 100 triệu đồng, còn lại do ngân sách huyện và một số nhà hảo tâm đối ứng.

Ông Trần Văn Thuận, nhà ngay đầu cầu Thuận Duyên - Đồng Hương 137, chia sẻ: "Mỗi ngày tuyến đường này có khoảng 400 lượt học sinh, người dân qua lại. Nay có cầu mới, sau này người dân đi lại khỏi sợ té nữa, đường qua Vị Thanh cũng gần hơn, mua bán, giao thương sẽ thêm thuận lợi".

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Ngọc Thuận huy động được các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bằng những việc làm thiết thực. Từ năm 2019 đến nay, bằng nguồn vốn xã hội hóa, xã Ngọc Thuận đã xây dựng được 8 cầu giao thông nông thôn trị giá 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, xã còn vận động các tổ chức, cá nhân cất mới 67 căn nhà trị giá trên 3,3 tỷ đồng cho các hộ dân khó khăn về nhà ở, giúp người dân an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế.

Giúp dân tăng thu nhập

Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, xã Ngọc Thuận chú trọng việc vận động, hướng dẫn người dân tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2021, xã có sản phẩm mắm Tám Dô được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thuận - Ảnh 3.

Những ngôi nhà đại đoàn kết của ý nghĩa lớn trong cuộc sống người dân ở Ngọc Thuận. Ảnh: NQ.

Từ hộ nghèo vươn lên khá giả nhờ nghề làm mắm truyền thống, 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh Trương Văn Dô, chủ cơ sở mắm Tám Dô (ngụ ấp Đường Lác) sản xuất, tiêu thụ từ 25-30 tấn mắm cá đồng các loại.

Theo anh Dô, ngoài bí quyết làm mắm truyền thống, vợ chồng anh không ngừng nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. 

"Nhờ được xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi những năm đầu khởi nghiệp, gia đình tôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư bao bì để sản phẩm được chuyên nghiệp hơn. Cũng nhờ đó sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, được hỗ trợ quảng bá nên khách hàng gần xa biết đến nhiều hơn. Doanh thu bán hàng năm 2022 tăng lên gần 3 tỷ đồng/năm", anh Dô bộc bạch.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Thuận - Ảnh 4.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người xã Ngọc Thuận đạt 64,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,27%. Ảnh: NQ.

Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Ngọc Thuận thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đào tạo nghề, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Ông Triệu Minh Nghe - Chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận, thông tin: "Tận dụng tiềm năng đất đai, xã tích cực vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Một số mô hình mang lại hiệu quả cao như nuôi cá trên ruộng lúa cho lợi nhuận từ 50-85 triệu đồng/ha/năm; nuôi dê của hộ ông Hồ Thanh Hóa thu lợi nhuận 70 triệu đồng/ha/năm...".

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người xã Ngọc Thuận đạt 64,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,27%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem