Xâm nhập cổ mộ vương gia thời Minh,kinh ngạc vì kho báu bên trong

Thứ ba, ngày 16/07/2019 10:32 AM (GMT+7)
Người ta phát hiện có tổng cộng hơn 5.300 hiện vật trong cổ mộ, trong đó, có 1.400 hiện vật làm từ vàng, 3.400 hiện vật là đá quý.
Bình luận 0

Chúng ta biết tới các lăng mộ nổi tiếng ở Trung Quốc như mộ Tần Thủy Hoàng, mộ Võ Tắc Thiên hoặc Từ Hi Thái Hậu. Tuy nhiên, có một lăng mộ không phải của một hoàng đế mà chỉ là vương gia nhưng quy mô nơi người này an nghỉ thì không kém gì đế vương. Hơn nữa, lại có vô số ngọc ngà châu báu. Ông là Lương Trang Vương thời nhà Minh.

"Lăng mộ kho báu" này của một vương gia chưa đầy 30 tuổi

Theo cuốn "Minh Sử" – tập thứ 7 thì Lương Trang Vương tên thật là Chu Chiêm Vỹ, sinh năm 1411, mất năm 1441. Ông là con trai thứ chín trong tổng số 10 người con trai của vua Minh Nhân Tông và mẹ ông là Cung Túc Quý Phi. Phủ vương gia của ông được đặt ở An Lục Châu, nay là thành phố nhỏ Chung Trường thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Minh Nhân Tông ở ngôi chưa đầy 1 năm thì qua đời vì mắc bệnh. Sau này, Lương Trang cũng qua đời khi mới 30 tuổi. Ông được an táng tại Hồ Bắc. Tuy mất khi còn trẻ nhưng lăng mộ ông được xây dựng và cất giữ số của cải vô cùng lớn.

img

Bên trong lăng mộ Lương Trang Vương (Ảnh: baike.baidu.com)

Mộ ông nằm cách thành phố Chung Tường tỉnh Hồ Bắc khoảng 25km về phía tây, cách vườn quốc gia Đại Khẩu 6km về phía đông. Mộ được xây dựng trên một sườn đồi cao 68m so với mực nước biển.

Được Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc chấp nhận, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và khám phá ngôi mộ này vào năm 2001. Và vô số bất ngờ đã xảy đến với họ về quy mô lẫn tài sản mà họ phát hiện được.

Theo các nhà khảo cổ, lăng mộ được xây dựng với kết cấu gồm 2 khu phòng khá rộng, đi từ ngoài vào trong theo hình chữ nhật. Lối vào mộ là theo hướng bắc – nam, đường vào được thiết kết như chữ "Trung" trong tiếng Hán.

Khu bên ngoài rộng khoảng 250 mét vuông, bên trong 55 mét vuông. Còn nơi huyệt đạo đặt thi thể Lương Trang Vương có chiều dài tới 10,6 mét, miệng huyệt đạo rộng 4,3 mét. Trong phòng huyệt đạo được thiết kết kiểu ngũ giác với năm mặt tường bao quanh quanh.

Mặt tường thứ nhất đắp loại đất bình thường, mặt thứ hai và thứ tư là đá vôi, mặt thứ ba và thứ năm phủ đất đỏ. Tất cả kết hợp lại khá vững chắc.

Trong đó có một bia đá cao khoảng 1.17 mét áp sát vào mặt tường thứ tư, phần chữ trên bia chia làm 2 phần, một phần ghi "Lương Trang Vương chi mộ", một phần ghi "Lương Trang Vương Phi khoảng chi văn" – tức nơi an táng Lương Trang Vương phi. Như vậy, vợ của ông cũng được chôn cất tại nơi này.

Mộ của vị vương gia này được đánh giá cao không kém Đinh lăng – nơi chôn cất Võ Tắc Thiên.

img

Một chiếc đai đính các viên ngọc quý trong mộ của vị vương gia giàu có được trưng bày (Ảnh: sohu.com)

Tại sao chỉ là một vương gia mà Lương Trang Vương lại sở hữu khối tài sản khủng?

Người ta phát hiện có tổng cộng hơn 5300 hiện vật trong mộ. Trong đó, có 1400 hiện vật làm từ vàng, 3400 hiện vật là đá quý. Trên các hiện vật bằng vàng cũng được đính các loại đá quý khác nhau từ ngọc lục bảo, hồng ngọc, lam ngọc, ngọc bích, đá mắt mèo, thạch anh...

Theo thống kê thì có 17 loại đá quý khác nhau được tìm thấy. Số lượng vàng nếu quy ra khối lượng thì ước tính 16 kg, số lượng bạc là 13 kg và số lượng đá quý là 14kg. Trong số các hiện vật thì tinh xảo và quý giá nhất là hiện vật trông như một chiếc nắp bằng vàng, trên đỉnh có viên đá lam ngọc lớn nặng khoảng 200 carat, xung quanh đính các loại đá khác, được chạm khắc tỉ mỉ.

Thêm vào đó là những viên đá quý, các loại đai ngọc lấp lánh, nhận ngọc khắc hình rồng. Tất cả đều được coi là bảo vật quốc gia. Nếu tính ra số tiền, thì giá trị các hiện vật thậm chí có thể tương đương hoặc vượt GDP của một quốc gia nhỏ.

img

Hiện vật được cho là quý gia nhất trong lăng mộ với đá lam ngọc nặng 200 carat trên một vật làm bằng vàng đính đá quý xung quanh (Ảnh: Baike.baidu.com)

Sở dĩ ông có khối tài sản lớn là bởi ông sống dưới thời thịnh trị của nhà Minh. Khi cha ông qua đời, anh cả của ông là Chu Chiêm Cơ lên ngôi, tức vua Minh Tuyên Tông đã chiếu ban cho các vị vương gia, cũng là các em trai của mình như Việt Tĩnh Vương, Trịnh TĩnhVương, Tương Hiến Vương, Hoài Tĩnh Vương, Lương Trang Vương số của cải tương ứng với 5 vạn lượng bạc, Lương Trang Vương thậm chí được ban nhiều gấp đôi.

Đến năm Tuyên Đức thứ 4 (1429) thì ông được ban phủ vương gia, điền trang thái ấp ở An Lục phủ (nay thuộc Hồ Bắc).

img

Một thỏi vàng miếng thời nhà Minh được tìm thấy trong lăng, có khắc chữ còn khá rõ ràng (Ảnh: sohu.com)

Thêm vào đó, không thể không nhắc tới Trịnh Hòa, một nhà thám hiểm người Trung Quốc. Ông được Minh Thành Tổ trao cho quyền chỉ huy một hạm đội thuyền lớn với nhiệm vụ đi ra biển để khám phá và tìm hiểu về các quốc gia khác.

Theo sách "Doanh Nhai Thắng Lãm" tác giả Mã Hoan thời nhà Minh, hạm đội của Trịnh Hòa đã mua rất nhiều các loại đá quý từ nhiều nơi, trong đó có cả các loại như ngọc lục bảo, hồng ngọc,...

Ngày 15/4/2014, diễn ra triển lãm "Trưng bày hiện vật lăng mộ Lương Trang Vương – những châu báu do Trịnh Hòa tìm kiếm". Nhóm chuyên gia ở Đại học Địa chất Trung Quốc đã khẳng định rằng các loại đá quý trong mộ như đá lam ngọc, đá hồng ngọc, đá mắt mèo, ngọc lục bảo đều là những loại đá quý được đem về từ Đông Nam Á.

img

Một trang sức bằng ngọc chạm khắc rồng tinh xảo (Ảnh: baike.baidu.com)

Như vậy, có thể nói lăng mộ này "giàu có" như vậy cũng có nguyên nhân là bởi nó được xây dựng vào thời đại vô cùng thịnh trị của nhà Minh. Hơn nữa, vì Lương Trang Vương qua đời khi còn khá trẻ nên chúng được chôn theo chủ nhân.

Nếu ông sống lâu hơn, có thể số của cải này đã được sử dụng khiến chúng ít đi nhiều hoặc được chia cho nhiều thế hệ con cháu hơn. Và chúng ta sẽ không được chiêm ngưỡng sự xa hoa trong lăng mộ của vị vương gia này nữa

PV (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem