Xâm nhập đường dây lừa đảo mua xe trả góp

Thứ hai, ngày 18/07/2011 12:45 PM (GMT+7)
Lần theo những lá đơn kêu cứu, phóng viên đã lật tẩy một nhóm người lừa người nghèo bằng hình thức mua xe trả góp.
Bình luận 0

Chiêu lừa mới

Theo nội dung trình bày của chị Nguyễn Thị Phương Thanh (40 tuổi, ngụ đường Phú Hòa, P.8, Q.Tân Bình, TPHCM), đầu tháng 6.2011, do hoàn cảnh khó khăn, chị Thanh cần vay 5 triệu đồng làm vốn buôn bán thì được một người đàn ông tên Điền giới thiệu chị đến gặp bà Ngân vay tiền bằng hình thức mua xe trả góp.

img

Các nạn nhân đến tố giác bọn lừa đảo

Như gặp được “vị cứu tinh”, chị Thanh liên lạc và được bà Ngân hẹn ngày lên một quán cà phê ở xã Bà Điểm, Hóc Môn và được dặn dò phải nhớ cầm theo CMND, hộ khẩu làm thủ tục. Đến nơi, chị Thanh ngồi đợi khoảng 30 phút mới đến lượt vì bà Ngân đang bận giải quyết cho 5 người có nhu cầu vay tiền đến trước đó.

Bà Ngân giải thích với chị Thanh hình thức vay tiền như sau: bà Ngân (bên cho vay) sẽ bỏ ra khoảng 10 triệu đồng trả trước cho cửa hàng bán xe (theo quy định mua xe trả góp phải đóng trước 20% trên tổng số tiền mua xe trị giá từ 30 - 40 triệu đồng - tùy theo loại xe) thì công ty tài chính mới cho vay số tiền còn lại. Người đứng tên hợp đồng vay tiền mua xe là chị Thanh nhưng không được nhận xe. Tổng trị giá chiếc xe là 30,8 triệu đồng, lãi suất 4,99%/tháng; trả 1,57 triệu đồng/tháng trong vòng 24 tháng.

Bà Ngân khẳng định: chị Thanh đóng khoảng 4 tháng, rồi sau đó không đóng nữa cũng không sao. Xem giấy tờ xong, bà Ngân yêu cầu chị Thanh cung cấp số ĐTDĐ và mua 2 sim card trị giá 150 ngàn đồng (do bà Ngân bán) cung cấp cho ngân hàng để ngân hàng gọi điện thoại kiểm tra thông tin cung cấp.

Sau đó, bà Ngân cùng một người đàn ông đi ra ngoài điện thoại với ai đó, tự nhận là vợ chồng và người thân của phía đi vay tiền, tự liên lạc và trả lời những câu hỏi kiểm tra của ngân hàng.

Một lát sau, hai người này quay lại chỗ chị Thanh thông báo ngân hàng đã đồng ý cho vay và dẫn chị Thanh đến cửa hàng bán xe gắn máy của Công ty TNHH Tín Phong ở đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh làm thủ tục vay.

Đến nơi, một người tên Tuấn của cửa hàng đưa 4, 5 mẫu giấy tờ không ghi nội dung cho chị Thanh ký vay tiền mua xe nhưng không giao xe. Ký xong, tất cả đi ra khỏi cửa hàng, lúc này bà Ngân mới móc túi đưa cho chị Thanh 5 triệu đồng. Về đến nhà, chị Thanh đưa hợp đồng cho người thân xem mới biết mình bị lừa.

Theo như hợp đồng, người đứng tên chủ xe gắn máy nhãn hiệu Attila Elizabeth trị giá 30,8 triệu đồng, trả trước 9,2 triệu đồng là chị Thanh; số tiền còn lại, chị vay của Công ty TNHH MTV tài chính PPF Việt Nam (đóng tại tòa nhà 194 Golden Building, số 473 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh) 21,5 triệu đồng với lãi suất 4,99%/tháng. Theo đó, chị Thanh phải đóng hơn 1,5 triệu đồng/tháng trong vòng 24 tháng mới xong nghĩa vụ (!?).

Ví dụ, với một hợp đồng mua xe 30 triệu, nhóm lừa đảo sẽ bỏ ra đóng trước 10 triệu, đưa cho người nghèo cần vay 5 triệu đồng, và sau đó những người nghèo này phải gánh cả số nợ vay còn lại 20 triệu cộng với tiền lãi hằng tháng trong khi không được nhận xe.

Nhiều người sập bẫy

Không chỉ riêng chị Thanh bị lừa mà theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người khác ở các quận huyện vùng ven như: Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, Q.11 (TPHCM) cũng bị sập bẫy. Và không chỉ có một đường dây của bà Ngân lừa kiểu này, mà còn có một đường dây khác do bà Bùi Ngọc Hạnh (38 tuổi, ngụ ở P.Tân Hiệp, H.Hóc Môn) hoạt động với hình thức tương tự.

Có trường hợp một gia đình, cùng lúc có hai người bị đường dây bà Hạnh lừa. Ngày 7.6, ông Trần Văn Lắm (43 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) được người bạn giới thiệu một “cò” tên là Đào nhờ môi giới vay tiền. Bà Đào đã dắt ông Lắm lên một quán cà phê ở Hóc Môn gặp bà Hạnh để vay tiền. Trong ngày hôm đó, cũng qua các thủ tục như các nạn nhân khác, ông Lắm vay được của bà Hạnh 5 triệu đồng.

Hôm sau, ngày 8.6, ông Lắm đến nhà anh ruột tên Long chơi, nghe ông Long than cần vay tiền để mua xe gắn máy cho vợ đi lấy vé số về bán nhưng không có tài sản thế chấp. Nghe vậy, ông Lắm giới thiệu cho vợ ông Long là chị Nguyễn Thị Ngọc (44 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) đến quán cà phê ở Hóc Môn gặp bà Hạnh vay tiền theo hình thức mua xe trả góp như mình. Đến nơi, Hạnh cũng yêu cầu bà Ngọc mua hai sim card để liên lạc với ngân hàng.

Sau khi trao đổi với ai đó xong, Hạnh buộc bà Ngọc ghi vào thông tin là thu nhập cá nhân hằng tháng 6 triệu đồng; thu nhập cả gia đình là 35 triệu đồng; chi tiêu 25 triệu đồng/tháng. Bà Ngọc nói: mình đi bán vé số, chồng chạy xe ôm ngày có tiền ngày không, lấy đâu ra hàng chục triệu đồng... nên không đồng ý ghi theo lời bà Hạnh, sợ ngân hàng xuống xác minh.

Hạnh gạ gẫm: “Nói láo mới có tiền. Không có ai xuống xác minh gì đâu mà sợ”. Cũng vì cần tiền nên bà Ngọc đành phải chấp nhận. Rồi Hạnh cũng đưa bà Ngọc đến cửa hàng Tín Phong làm thủ tục mua xe trả góp để nhận tiền vay là 5 triệu đồng.

Trong lúc chúng tôi đang tìm hiểu vụ việc thì bà Nguyễn Thị Hằng Nga (38 tuổi, ngụ Q.11) cũng đến phản ánh bị Hạnh lừa bằng hình thức như trên. Những nạn nhân đến tòa soạn phản ảnh đều cho rằng, để vay được 5 triệu đồng, họ phải bỏ ra 150 đồng mua 2 sim card và chi 300 ngàn đồng đưa cho “cò” môi giới.

Đáng chú ý, mỗi một nạn nhân khi đến gặp Hạnh, Ngân làm thủ tục vay tiền đều thấy có 5.6 người khác đến vay. Nghĩa là số nạn nhân có thể rất nhiều và có khả năng có nhiều đường dây lừa đảo tương tự...

Vậy bọn chúng là ai?

Theo Tiền phong
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem