Xăng dầu, điện "rủ nhau" tăng giá: Ngành phân bón sẽ thiệt hại lớn!

Đình Thắng (ghi) Thứ sáu, ngày 05/04/2019 13:15 PM (GMT+7)
“Ngay sau khi giá điện tăng, giá xăng cũng chính thức tăng, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón”.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - quyền Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ với NTNN về những tác động của giá xăng, điện tăng tới ngành phân bón.

Ông Hạc Thúy cho biết, giá điện tăng, giá xăng tăng tất nhiên sẽ ảnh hưởng chung tới cả thị trường trong đó ngành phân bón sẽ thiệt hại rất lớn. Tăng giá xăng giá sẽ khiến cho chi phí sản xuất phân bón tăng lên, các nguyên liệu đầu vào cũng sẽ tăng giá, giá cước vận chuyển, tỷ giá ngoại tệ tăng cũng sẽ làm tăng giá phân bón nhập khẩu… điều đó dẫn tới giá thành phân bón tăng.

img

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy. Ảnh: I.T

“Chi phí phân bón hiện đang chiếm tới gần nửa giá vật tư đầu vào trong trồng trọt, canh tác, vì vậy bà con nông dân rất cần sự ổn định giá cả của các mặt hàng này. Nông dân chắc chắn không thể không sử dụng phân bón, dù cho giá tăng thì cũng phải dùng thôi. Tuy nhiên khi giá phân bón tăng cao, giá thành sản xuất phân bón tăng, buộc các doanh nghiệp cũng phải tính tới việc tăng giá bán” – ông Hạc Thúy khẳng định.

Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng phân bón dởm, giả vẫn đang tồn tại, có thể đây là thời điểm phân bón dởm, giả tiếp tục tung hoành trở lại với ưu thế giá rẻ. Lúc đó không chỉ doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính thiệt thòi mà người nông dân cũng sẽ thiệt, sản xuất nông nghiệp cũng sẽ chịu tác động.

Cũng theo ông Hạc Thúy, doanh nghiệp sản xuất phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chân chính làm ăn thua lỗ, Luật Thuế 71 về thuế giá trị gia tăng liệt phân bón vào mặt hàng không chịu thuế nên các doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào khiến chi phí của tất cả doanh nghiệp đều tăng, đơn vị ít vài chục tỉ, đơn vị nhiều lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

Luật Thuế 71 khiến cho số lượng các loại phân bón nhập khẩu giá rẻ càng tăng làm cho nhiều nhà máy phải giảm công suất tối đa của các tập đoàn, công ty sản xuất phân bón như Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Đạm Ninh Bình, Công ty Super Phốt phát Lâm Thao, Công ty Phân đạm Hà Bắc, Tổng Công ty Sông Gianh, Công ty Tiến Nông Thanh Hóa, Công ty Phân bón Bình Điền, các nhà máy DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đều giảm sản lượng, làm giảm doanh thu, thiệt hại tài chính nặng nề…

Nay giá điện giá xăng đồng loạt tăng, sẽ khiến cho ngành sản xuất phân bón gặp khó khăn chồng chất. Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí sản xuất, đầu tư phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, mặt khác lại làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

“Ngày 1.4 vừa qua tôi đã tham gia cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ, tại đây tôi đã trao đổi những khó khăn của ngành phân bón để Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp nhằm khuyến khích ngành phân bón phát triển. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách VAT với phân bón là áp mức 5% thay vì phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế như hiện nay” – ông Hạc Thúy cho biết thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem