Xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất

Thiên Hương Thứ năm, ngày 05/01/2023 10:37 AM (GMT+7)
Sự chuyển mình của đội ngũ khuyến nông đã bám sát thực tế và những yêu cầu từ thị trường, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Hệ thống khuyến nông cũng có nhiều đổi mới như đẩy mạnh khuyến nông cơ sở, đa dạng dịch vụ, thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị...
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định như vậy tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2022, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tổ chức mới đây.

Khuyến nông giúp nông dân tổ chức lại sản xuất

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG cho biết, năm 2022 toàn hệ thống khuyến nông đã triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh đặc biệt, khuyến nông một số nơi bị đứt gãy, 2 tỉnh giải thể khuyến nông, một số nơi sáp nhập khuyến nông vào đơn vị khác. 

Do đó, toàn hệ thống phải rà soát lại, nỗ lực tái cơ cấu, đổi mới phương thức hoạt động và kết nối lại hệ thống. Thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cụ thể là hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, CLB khuyến nông và kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị - Ảnh 1.

Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh Tây Nguyên thăm vườn cà phê hữu cơ của Công ty Vĩnh Hiệp. Ảnh: Hoàng Lộc

"Yêu cầu toàn hệ thống tập trung xây dựng nội dung hoạt động của lực lượng khuyến nông từ cấp huyện thông qua hình thức của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Các đề án nâng cao năng lực khuyến nông cộng đồng có thể tranh thủ nguồn lực ODA từ những tổ chức quốc tế".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam

Ông Thanh cho biết, năm 2022, TTKNQG đã thực hiện đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng". 

Đáng mừng là đến nay, ngoài 13 tỉnh tham gia thí điểm, đã có thêm 12 tỉnh thành lập tổ khuyến nông cộng đồng với 132 tổ ở 25 tỉnh/thành, tổng số gần 900 khuyến nông viên. Nhiều tổ hoạt động đã có "đường nét" theo mục tiêu dự án. Nhiều địa phương đã xây dựng cơ chế chính sách cho hoạt động khuyến nông cộng đồng.

"Các tổ khuyến nông cộng đồng góp phần tạo nên hệ sinh thái khuyến nông, đồng thời tăng tính tương tác giữa các thành viên, các tổ chức. Đồng thời nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng cơ cấu lại tổ chức, đa dạng chức năng, nhiệm vụ khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã; hướng tới khuyến nông theo nhu cầu và khuyến nông dịch vụ" - ông Thanh đánh giá.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho rằng: Hiện nay, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quản lý theo dõi được đến cấp tỉnh, vì vậy có khuyến nông cộng đồng là lực lượng giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở hiệu quả nhất, thông qua tập huấn tuyên truyền sẽ vận động người dân thay đổi hành động.

Xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị - Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2022. Ảnh: M.H

Năm đột phá của hệ thống khuyến nông

Để khuyến nông tiếp tục phát huy và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, năm 2023 hệ thống khuyến nông cần tập trung xây dựng mô hình khuyến nông đa giá trị - là mô hình gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất theo hình thức HTX, nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp.

Gắn xây dựng mô hình với xây dựng nông thôn mới và kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm. "Cần xây dựng tiêu chí đầu vào, đầu ra cho các mô hình. Xu hướng, ở Trung ương sẽ thực hiện những mô hình quy mô lớn gắn với các doanh nghiệp lớn; ở địa phương sẽ thực hiện những mô hình quy mô nhỏ hơn phù hợp với cơ sở. Hoàn thiện đề án khuyến nông cộng đồng, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ, tổ chức lại bộ máy tại địa phương, xác định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động ở trung ương và địa phương" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TTKNQG và các đơn vị thuộc bộ cần phối hợp đào tạo cho cán bộ khuyến nông cộng đồng hiểu thêm về HTX, về quản lý chất lượng sản phẩm, lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn thêm người nông dân. Thực hiện đào tạo thí điểm giám đốc HTX cho khuyến nông cộng đồng.

Hệ thống khuyến nông cần xây dựng cơ chế, chiến lược tổ chức để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, để những người làm khuyến nông có thể yên tâm sống được với nghề. Khuyến nông chỉ có thể phát triển sâu, rộng, tích hợp nhiều ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số khi kết hợp được với doanh nghiệp.

Ông Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp Trường Đại học Hirosima (Nhật Bản) triển khai các chương trình hợp tác đào tạo. Cán bộ khuyến nông Trung ương có thể tham gia đào tạo tiến sĩ về khuyến nông, cán bộ khuyến nông cơ sở có thể đi học tập, lao động ở nước ngoài, đồng thời giúp tăng thu nhập.

"Nghị định 105/2022 về chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ NNPTNT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2023. Do đó, các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có TTKNQG phải sớm hoàn thiện kế hoạch cho năm kế tiếp. Tham mưu lãnh đạo để sửa Nghị định 83 về khuyến nông phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới, đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động đến năm 2050. Trước mắt sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả 30 năm hoạt động khuyến nông" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo tổng kết hội nghị. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem