Xây dựng NTM ở Bắc Giang: Nông dân giữ vai trò chủ thể

Thứ ba, ngày 25/12/2012 10:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong năm 2012, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Bình luận 0

Để có được kết quả này, theo ông Nguyễn Viết Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang là do người dân nhận thức rõ về ý nghĩa, mục đích và vai trò, chủ thể trong xây dựng NTM. Trao đổi với NTNN, ông Toàn cho biết:

img
 Ông Nguyễn Viết Toàn 

- Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương của Bắc Giang đã có những chuyển biến rõ rệt như: Bộ máy quản lý chỉ đạo chương trình các cấp được thành lập và đi vào hoạt động; cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM được triển khai sâu rộng.

Người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó trở thành phong trào tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào để làm đường giao thông nông thôn...

Đặc biệt, nhiều hộ dân ở 40 xã xây dựng NTM của Bắc Giang cũng đã hiến trên 60.000m2 đất, tháo dỡ trên 4.000m tường rào để mở rộng đường giao thông nông thôn. Chỉ riêng đóng góp của người dân đã đạt khoảng 70 tỷ đồng (gồm tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất) để xây dựng 130km đường giao thông nông thôn, 38km kênh mương và nhiều công trình văn hóa, thể thao, khu thu gom, xử lý rác thải… nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Bắc Giang đã bước đầu thay đổi.

Ông có thể cho biết, vì sao công tác quy hoạch xây dựng NTM của Bắc Giang vẫn chưa hoàn thành 100% số xã?

- Thực tế cho thấy, quy hoạch xây dựng NTM là quy hoạch đa ngành, tổng hợp của các quy hoạch, trình tự thủ tục xây dựng, phê duyệt quy hoạch trải qua nhiều bước liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, chủ đầu tư là Ban Quản lý xã lại không có cán bộ am hiểu về công tác quy hoạch. Mặt khác, số đơn vị tư vấn có đủ năng lực trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ yêu cầu. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang là tập trung làm theo từng bước để nâng cao chất lượng của các “đồ án quy hoạch, nên năm 2012 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện quy hoạch cho 45 xã (đạt 85,6% số xã thực hiện quy hoạch).

img
Nhờ huy động sức dân, con đường làng An Lập, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được kiên cố hóa và mở rộng.

Do mỗi tỉnh có đặc thù riêng, theo ông, việc triển khai xây dựng NTM ở Bắc Giang có những khó khăn, vướng mắc gì?

- Có rất nhiều khó khăn, nhưng khó nhất vẫn là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho Chương trình xây dựng NTM còn quá thấp so với nhu cầu thực tế (tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2011-2012 chỉ đạt 83 tỷ đồng, bằng 4,6% so với nhu cầu vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách để xây dựng NTM ở 40 xã) và phân bổ vốn chậm (ngày 3.5.2012 Bộ KHĐT mới có quyết định giao vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012).

Theo thống kê, số tiêu chí đạt thêm của các xã triển khai xây dựng NTM địa bàn Bắc Giang đều tăng lên, hiện tại đạt trung bình 12,5 tiêu chí/xã (riêng năm 2012 bình quân mỗi xã đạt thêm 2,4 tiêu chí/xã.

Mặt khác, do nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho các hạng mục công trình thấp (chiếm 31,35%) nên chủ đầu tư là Ban Quản lý các xã phải huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và người dân để thực hiện trong một thời gian ngắn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Để đưa mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch của T.Ư đề ra, tỉnh Bắc Giang có những kiến nghị gì?

- Để đạt được những mục tiêu theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư: Bố trí tăng kinh phí hỗ trợ trực tiếp của chương trình trong những năm tới đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, đồng thời bố trí kế hoạch vốn hàng năm sớm để các tỉnh có kế hoạch giao vốn chi tiết cho các đơn vị thực hiện đảm bảo đúng tiến độ thực hiện đề án.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem