Xây dựng Tây Nguyên thành khu vực chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 14/05/2022 20:04 PM (GMT+7)
Từ năm 2022-2030, Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ lễ khởi công Dự án "Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai", ngày 14/5, Bộ NNPTNT đã ký kết biên bản ghi nhớ về Chương trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với AGRITERRA (tổ chức phi chính phủ của Hà Lan) và De Heus Việt Nam.

Cụ thể, ba bên sẽ phối hợp cùng với các cơ quan địa phương và các tổ chức xã hội để xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi theo hình thức hợp tác xã và lấy các hợp tác xã làm trung tâm và phát triển. Từ đó, hướng đến giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi và tăng thu nhập cho người nông dân Việt Nam.

Đánh giá về ý nghĩa của chương trình này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: "Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60-70% giá thành, nếu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như De Heus tận dụng được nguồn ngô, sắn, cũng như phế phẩm thuỷ sản trong nước thì sẽ giảm phục thuộc nhập khẩu".

Xây dựng Tây Nguyên thành khu vực chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh - Ảnh 1.

Bộ NNPTNT, Tổ chức phi chính phủ AGRITERRA (\Hà Lan) và De Heus Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về Chương trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh: H.L

Cũng nhân dịp này, Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đã ký kết chương trình hợp tác chiến lược giữa 2 tập đoàn.

Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau lên kế hoạch, xây dựng và phát triển những dự án trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, từ năm 2022-2030, De Heus và Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Sau khi hoàn thành dự án tại Gia Lai, hai tập đoàn sẽ triển khai tại Đắk Nông và Kon Tum. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Xây dựng Tây Nguyên thành khu vực chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh - Ảnh 2.

Dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết MOU về chương trình hợp tác chiến lược giữa hai Tập đoàn giai đoạn 2022-2030.

Mục tiêu cho dự án lợn giống của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 con lợn cụ, kỵ, ông, bà (tương đương 80.000 con lợn hậu bị mỗi năm), công suất đàn lợn nái khoảng 200.000 con và khoảng 6 triệu con lợn thịt. 

Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Với lĩnh vực chăn nuôi gà, De Heus và Hùng Nhơn đã xây dựng khu chăn nuôi Bel Gà tại Tây Ninh. Dự án Bel Gà bao gồm: 2 trang trại gà bố mẹ có công suất 25 triệu trứng/năm, 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn có công suất 25 triệu gà thịt/năm. Ngoài ra, tại Tây Ninh, 2 tập đoàn sẽ triển khai một tổ hợp các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem