Doanh nghiệp Thái Lan xây dựng trạm trung chuyển thịt heo 5.000m2 tại Đồng Nai

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 21/12/2022 17:47 PM (GMT+7)
Trạm trung chuyển thịt heo tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai có khả năng cung cấp thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc cho thị trường các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.
Bình luận 0

Trạm trung chuyển thịt heo: Một phần của quy trình chăn nuôi khép kín

Tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, ngày 21/12, một trạm trung chuyển thịt heo với quy mô 5.000m2  chính thức đi vào hoạt động.

Trạm trung chuyển thịt heo này thuộc sở hữu của MM Mega Market Việt Nam, hợp tác với Công ty TNHH Anh Hoàng Thy - đơn vị sản xuất thịt heo và các sản phẩm thịt chế biến có nhiều năm kinh nghiệm tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai. Trạm có năng lực cung cấp thịt heo sạch, an toàn cho hệ thống phân phối của MM tại thị trường TP.HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, có khả năng cung cấp cho cả miền Trung, Tây Nguyên - Ảnh 1.

Bên trong trạm trung chuyển thịt heo tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chính thức hoạt động ngày 21/12. Ảnh: Hồng Phúc

Trạm trung chuyển này sẽ hỗ trợ hơn 60 nông hộ và hợp tác xã chăn nuôi ứng dụng quy trình đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt vào chăn nuôi và chế biến, góp phần mở rộng nguồn cung cấp thực phẩm thịt heo sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP vào hệ thống bán lẻ của MM.

Trạm trung chuyển được vận hành với sự kiểm soát nghiêm ngặt, theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Đội ngũ quản lý chất lượng và kỹ sư nông học kiểm tra toàn diện từ khâu chọn lựa nông hộ tiềm năng đến việc kiểm soát chất lượng thành phẩm. 

Con giống và nguồn hàng được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật bởi cơ quan thú y địa phương. Từng cá thể heo được đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Thịt thành phẩm được đóng gói hoàn chỉnh theo từng đơn vị với tem truy xuất nguồn gốc (QR code) đến tận nông hộ, trại chăn nuôi.

Trạm trung chuyển sở hữu khu vực giết mổ riêng biệt, được khử trùng thường xuyên và trang bị công nghệ đóng gói Oxy Fresh giúp tối ưu dinh dưỡng và độ tươi ngon của sản phẩm thịt. Quá trình vận chuyển thịt heo với tổng cộng 12 xe lạnh chuyên dụng có gắn thiết bị theo dõi nhiệt độ suốt hành trình để đảm bảo thịt được vận chuyển trong điều kiện dưới 4 độ C.

Xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, có khả năng cung cấp cho cả miền Trung, Tây Nguyên - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai (bên phải), nhấn mạnh trạm trung chuyển là cầu nối trong chuỗi liên kết sản xuất, đưa sản phẩm của nông dân được tiêu thụ. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc khối vận hành MM, cho biết mô hình trạm trung chuyển thịt heo tại tỉnh Đồng Nai - một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm, lớn nhất cả nước được doanh nghiệp thành lập với mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất, chú trọng các vấn đề chất lượng, bình ổn giá cả.

“Với dự án này tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi kỳ vọng mang đến chuỗi cung ứng thịt heo sạch, an toàn cho toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam cũng như đồng hành cùng ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai”, ông Toàn nói.

Liên kết sản xuất chăn nuôi heo

Ông Đặng Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Anh Hoàng Thy, cho biết doanh nghiệp có 20 năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi và liên kết sản xuất với bà con nông dân chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai. Đưa vào vận hành trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, ông khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo chuỗi sản xuất, hỗ trợ đầu ra ổn định.

Xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, có khả năng cung cấp cho cả miền Trung, Tây Nguyên - Ảnh 4.

Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước với tổng đàn khoảng 2,64 triệu con. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước với tổng đàn khoảng 2,64 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai hiện nay, chiếm gần 62% và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết quy mô ngành chăn nuôi của tỉnh khá lớn, chủ yếu là chăn nuôi trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với quy mô này, việc tổ chức tiêu thụ phân phối thịt heo sao cho đảm bảo ổn định đầu ra và đảm bảo về chất lượng là vấn đề tỉnh quan tâm.

Xây dựng trạm trung chuyển thịt heo tại Đồng Nai, có khả năng cung cấp cho cả miền Trung, Tây Nguyên - Ảnh 5.

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai (người đầu tiên, bên phải) tham quan trạm trung chuyển thịt heo tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ngày 21/12. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Phi cũng lưu ý với chủ trang trại, các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay cần đảm bảo hai yếu tố trong chăn nuôi. Thứ nhất là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thứ hai là đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chăn nuôi, liên kết sản xuất và phân phối ra thị trường.

Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh trạm trung chuyển là cầu nối trong chuỗi liên kết sản xuất, đưa sản phẩm của nông dân được tiêu thụ. Việc hình thành trạm trung chuyển thịt heo trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa lớn khi Tết Nguyên đán đã gần kề. Đồng Nai đang tổ chức triển khai thực hiện bình ổn giá nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem