“Xây lại” hệ thống khuyến nông cộng đồng

Minh Huệ (thực hiện) Thứ ba, ngày 31/01/2023 18:45 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh mới, khuyến nông không chỉ là khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà còn khuyến khích tổ chức lại đời sống nông thôn, thay đổi nhận thức nông dân. Đội ngũ khuyến nông cộng đồng phải kết nối mọi khâu sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt…
Bình luận 0

Giúp nhà nông thay đổi thói quen sản xuất

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN về "làn gió mới" là các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đang được thành lập ở nhiều địa phương.

Mới đây Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn, ông có thể cho biết TTKNQG được giao những nhiệm vụ gì?

-Đề án nói trên nhằm vào các loại nông sản chính, như vùng trái cây ở Tây Bắc; vùng trái cây ở ĐBSCL; vùng trồng gỗ lớn ở miền Trung; vùng cà phê ở Tây Nguyên; vùng lúa gạo ở tứ giác Long Xuyên. Mục tiêu là làm thế nào để kết nối các vùng nguyên liệu tập trung từ đầu vào đến đầu ra, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Trong đó TTKNQG được giao nhiệm vụ xây dựng các tổ KNCĐ gắn với những vùng nguyên liệu, trên cơ sở kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông cơ sở.

“Xây lại” hệ thống khuyến nông cộng đồng - Ảnh 1.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh giới thiệu về những ấn phẩm, tài liệu mới do TTKNQG biên soạn, xuất bản. Ảnh: Minh Ngọc

Triển khai đề án này, TTKNQG đã có giải pháp gì để giúp bà con thay đổi thói quen làm ăn manh mún, tự phát, sản xuất theo tiêu chuẩn?

-Trước mắt nhiệm vụ này gặp khá nhiều khó khăn, nhất là tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân, ít tiếp cận với thị trường. Từ chỗ manh mún về ruộng đất, dẫn dến manh mún trong cách làm ăn. Có thể nói 100 nông hộ sản xuất thì 100 tiêu chí khác nhau, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu.

Triển khai đề án, chúng tôi mong muốn những nông hộ nhỏ cùng nhau hợp tác để sản xuất cùng một tiêu chuẩn, một quy trình đồng nhất. Đó là cơ sở để kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ, từ đó chúng ta sẽ tiếp cận tới những thị trường lớn đòi hỏi cao hơn, có giá trị lớn hơn.

Để giúp người nông dân sản xuất đạt chuẩn, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu, viện, trường biên tập những bộ tài liệu, như Hướng dẫn sản xuất cây ăn trái theo VietGAP, sản xuất lúa theo VietGAP, hay trồng cà phê theo tiêu chuẩn bền vững, hữu cơ…

Vậy làm thế nào để nông dân thực hiện đúng quy trình đó? Chúng tôi đã phải tăng cường đội ngũ khuyến nông cơ sở thông qua việc kiện toàn, tổ chức lại tổ KNCĐ, trong đó người nông dân được tham gia từ đầu đến cuối quy trình sản xuất. Cán bộ khuyến nông sẽ giúp bà con xây dựng kế hoạch sản xuất, lựa chọn quy trình phù hợp với từng loại sản phẩm, từ đó tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất.

Tuy đang làm thí điểm nhưng một số tổ KNCĐ đã đi vào hoạt động hiệu quả, như các tổ KNCĐ trong vùng cà phê ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đăk Nông, hay vùng lúa gạo ở Tứ giác Long Xuyên.

Mời nông dân tham gia tổ khuyến nông cộng đồng

Ông có thể cho biết tổ KNCĐ có gì mới so với khuyến nông cơ sở trước đây?

-Trước đây chúng ta đã có đội ngũ khuyến nông cơ sở và cộng tác viên khuyến nông, nhưng hoạt động thuần tuý, chủ yếu theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Còn bây giờ phải lôi kéo các lực lượng khác tham gia vào khuyến nông như cán bộ kỹ thuật, cán bộ HTX, các Chi cục BVTV, Chi cục Thú y… Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cho tổ KNCĐ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành nông nghiệp. Thậm chí đại diện của doanh nghiệp cũng tham gia vào các tổ này, bởi ở đó họ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân – những người cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời chính bà con nông dân tham gia vào tổ KNCĐ. Họ sẽ cùng nhau xây dựng các quy trình, kế hoạch sản xuất, từ đó khuyến nông sẽ góp phần thay đổi tư duy của người sản xuất, chuyển đổi dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

“Xây lại” hệ thống khuyến nông cộng đồng - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Thanh (ngoài cùng bên phải) - Giám đốc TTKNQG kiểm tra mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại gia đình anh Cà Văn Lợi, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Bình Minh

Ông đánh giá tổ KNCĐ có vai trò như thế nào đối với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp?

-Theo nội dung Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, Bộ NNPTNT đã giao mỗi tỉnh thành lập 10 tổ KNCĐ, và mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 2 tổ làm thí điểm. TTKNQG có nhiệm vụ tăng cường năng lực, tư vấn thành lập, xây dựng kế hoạch hành động cho 2 tổ này. 

Ngoài ra, chúng tôi còn có tổ tư vấn là các chuyên gia Cục Kinh tế hợp tác, các viện, trường… Quan trọng là những người làm khuyến nông phải trở thành lực lượng chuyên nghiệp trước, giúp hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, sản xuất theo chuỗi, liên kết với nhau thành vùng sản xuất lớn nhằm đạt mục đích cuối cùng là nâng cao giá trị thu nhập.

Thực tế là tại các địa phương, tổ KNCĐ đã thu hút sự vào cuộc ngoài mong đợi của cộng đồng. Mặc dù chúng tôi đang làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng đã có địa phương tổ KNCĐ phủ sóng khắp nơi, thu hút nhiều người tham gia, ví dụ như Hải Phòng (thành lập được hơn 120 tổ KNCĐ)…

"Trung tâm Khuyến nông sẽ thu hút những người tâm huyết, mong muốn trở thành cán bộ khuyến nông bằng cách liên tục đào tạo, cung cấp các giải pháp cần thiết để những người đó trở thành cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp" – ông Lê Quốc Thanh.

Ông đã đi tham quan mô hình khuyến nông ở một số nước phát triển, vậy khuyến nông Việt Nam có thể học tập được gì?

Phải thừa nhận một điều là hầu hết các nước có nền nông nghiệp phát triển thì lực lượng khuyến nông rất mạnh. Ngay gần chúng ta là Thái Lan có Cục Khuyến nông với mạng lưới từ trung ương tới cơ sở, giúp bà con sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường. 

Hàn Quốc cũng đang xây dựng mô hình tư vấn dịch vụ khuyến nông, có thu phí, theo đó Nhà nước sẽ không phải đầu tư kinh phí quá lớn cho lực lượng này. Hay như Đài Loan, lực lượng khuyến nông nằm tại địa phương giúp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn thị trường rất hiệu quả.

Việt Nam sẽ không thể copy mô hình nào bởi nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta khác họ, nhưng chúng ta có thể nghiên cứu vận dụng mô hình khuyến nông dịch vụ, khuyến nông cộng đồng của Hàn Quốc. Từ đó chúng ta sẽ tìm được cơ chế hợp tác để các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả phí dịch vụ khuyến nông. Bên cạnh đó, chúng ta có thể học hỏi cách thức tổ chức bộ máy của khuyến nông Thái Lan, nhằm duy trì và phát triển hệ thống từ trung ương tới cơ sở, phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng khuyến nông.

Khuyến nông cộng đồng như một "làn gió mới" góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hình thành những người nông dân chuyên nghiệp. Chúng tôi mong muốn tổ KNCĐ sẽ trở thành địa chỉ kết nối nông dân với doanh nghiệp, xoá bỏ tư tưởng trông chờ vào ngân sách, để người làm khuyến nông có thể sống được và làm giàu với nghề của mình.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem