79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Nhiều doanh nghiệp vận tải hoang mang

Chinh Hoàng Thứ bảy, ngày 24/09/2022 16:45 PM (GMT+7)
Nhiều chủ doanh nghiệp vận tải ở bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) bày tỏ hoang mang khi hay thông tin từ ngày 11/10, 79 tuyến xe khách đi 15 tỉnh ở bến xe Miền Đông cũ sẽ dời về bến xe mới (TP.Thủ Đức)
Bình luận 0

79 tuyến xe khách đi 15 tỉnh dời về bến xe mới

Mới đây Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT 15 tỉnh, thành đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.

Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh). Clip: Chinh Hoàng

Theo lãnh đạo bến xe Miền Đông, bến hiện có 79 tuyến xe khách (với 120 hành trình tuyến) đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) đi đến các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau sẽ dời sang bến xe mới cách đó 20 km từ ngày 11/10.


79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Nhiều doanh nghiệp vận tải hoang mang - Ảnh 2.

Sẽ có 79 nhà xe dời về bến xe Miền Đông mới từ ngày 11/10 (TP.Thủ Đức). Ảnh; Chinh Hoàng

Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức) là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng. Trước đó, từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua. Trước đó, từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua.. 

Theo Sở GTVT TP.HCM, giai đoạn 3, hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh. 

Song song với việc di dời các tuyến, bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh sẽ bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về bến xe Miền Đông mới.

Đồng thời, tại bến cũ sẽ ưu tiên bố trí diện tích cho phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, xe taxi đậu, đỗ để đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách. Tại bến xe cũ cũng kết hợp khai thác dịch vụ hỗ trợ để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa xe, rửa xe, cung ứng nhiên liệu kể cả trạm nhiên liệu khí CNG cho xe buýt và các trạm sạc điện…

Chủ doanh nghiệp vận tải vừa mừng, vừa lo

Sau khi nhận được thông tin dời tuyến xe về Bến xe Miền Đông mới, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải ở bến xe Miền Đông bày tỏ vừa mừng vừa lo. "Mừng vì bến xe mới đường ngắn hơn so với việc phải chạy lên trung tâm thành phố. Vậy nhưng, hiện mối khách và hàng hóa đã quen với việc di chuyển ra bến xe cũ. Tôi sợ thời gian đầu về với bến xe mới sẽ vắng khách, mất mối", một chủ doanh nghiệp vận tải nói với phóng viên.

79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi 15 tỉnh dời về bến xe Miền Đông mới: Nhiều doanh nghiệp vận tải hoang mang - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Liêm Pha (tuyến Bến xe Miền Đông đi Bến Tre bất ngờ khi nhận tin tuyến xe của mình phải dời về bến xe mới. Ảnh: Chinh Hoàng

Bà Hồ Thị Thu Phượng (chủ nhà xe Phương Sa, tuyến Bến xe Miền Đông đi Bà Rịa – Vũng Tàu) thổ lộ: Bà Phượng mới nhận được thông tin tuyến xe của mình nằm trong kế hoạch di dời về bến xe mới.

Việc tuyến xe của bà Phượng bị chuyển về bến xe mới bà cho rằng, dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi trong suốt thời gian 2 năm trở lại đây tình hình khách và hàng hóa không mấy khả quan khi dịch Covid-19 hoành hành liên tục không có dấu hiệu thuyên giảm ở TP.HCM.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP.HCM bà Phượng có 3 chiếc xe hoạt động tuyến Bến xe Miền Đông – Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi hoạt động trở lại vào đầu tháng 10/2021, bà Phượng chỉ còn 2 chiếc xe, lý do 1 chiếc bán để trả lương nhân viên, ngân hàng trong thời gian cầm chừng vì dịch Covid-19 vừa qua.

"Vắng khách, hàng hóa thưa thớt đã vậy tình trạng "xe dù, bến cóc" liên tục hoành hành ở TP.HCM. Xe dù "cướp" hết khách và hàng hóa, ở bến xe cũ làm ăn đã khó, nay chuẩn bị về bến xe mới tôi lo lắng nhiều hơn vui mừng", bà Phượng chia sẻ.

Tương tự trường hợp như bà Phượng, ông Nguyễn Liêm Pha (chủ tuyến xe Bến Tre đi Bến xe Miền Đông) cho biết: Ông Pha cũng vừa nhận được thông tin tuyến xe của mình nằm trong kế hoạch dời về bến xe mới.

Ông Pha cho rằng việc di chuyển tuyến xe của mình về bến xe mới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi vì mọi khách, mối hàng hóa đã quen làm ăn với tuyến xe của ông Pha hơn 10 năm nay.

Khi di chuyển tuyến xe của ông Pha về bến mới, quãng đường sẽ xa hơn so với bến xe cũ hơn 20km. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách và mối làm ăn lâu nay của ông Pha.

"Thay vì nhiều khách ở trung tâm thành phố chỉ mất 10 – 15 phút để đến bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) để đặt vé và gửi hàng. Nay phải đi tận hơn 20km, một quãng đường khá dài và việc về bến mới chúng tôi phải làm lại từ đầu, vừa mừng vừa lo không biết sao", ông Pha tiết lộ.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng cho biết, trước mắt chủ đầu tư phải đưa ra lộ trình di chuyển các chuyến xe còn lại ra bến xe Miền Đông mới. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM có chỉ đạo tính toán, sử dụng diện tích bến xe cũ. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ đề nghị ít nhất phải giữ lại không gian cho bãi đậu xe, giao thông công cộng ngay sau khi quy hoạch tại bến xe Miền Đông cũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem