Xi măng Công Thanh lỗ luỹ kế hơn 2.000 tỷ đồng, Vietinbank bán nợ cho VAMC

Nhật Minh Thứ hai, ngày 06/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Mặc dù được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn, tuy nhiên, Xi măng Công Thanh liên tiếp lâm vào cảnh làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa và mất cân đối tài chính. Mới đây, khoản nợ vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại Xi măng Công Thanh đã được “ông lớn” Vietinbank chuyển sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bình luận 0

CTCP Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với việc tiếp tục thua lỗ và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Giảm lỗ so với cùng kỳ nhưng vẫn bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Theo báo cáo tài chính của Xi măng Công Thanh, năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 3.672 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán 3.092 tỷ đồng, giảm 3%.

Tuy nhiên do chi phí tài chính vẫn ở mức cao 842 tỷ đồng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay (788 tỷ đồng) đã khiến Xi măng Công Thanh ghi nhận khoản lỗ 615 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ 1.038 tỷ đồng của năm 2017.

img

Với mức lỗ 615 tỷ năm 2018, lỗ lũy kế của Xi măng Công Thanh đã lên đến 2.287 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu (vốn điều lệ 900 tỷ). Cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu ghi nhận giá trị âm 1.387 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 772 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế kể trên.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Xi măng Công Thanh cho thấy, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2018 của doanh nghiệp chỉ còn âm gần 27 triệu đồng, trong khi năm 2017 là âm 12 tỷ. Trong đó, lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính âm 363 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước dương 113 tỷ. Ngược lại, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh dương 416 tỷ so với con số âm 78 tỷ của năm 2017.

Tại thời điểm 31.12.2018, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh đạt 13.525 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm 7% xuống 421 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng giảm từ 303 tỷ đồng xuống 204 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn 1.401 tỷ đồng, tăng 3% và chiếm 53% nợ ngắn hạn trong khi đó vay dài hạn ở mức 6.839 tỷ đồng, giảm 6% và chiếm 55% nợ dài hạn.

img

Tại báo cáo tài chính này, đơn vị kiểm toán Công ty TNHH PwC Việt Nam lưu ý, Xi măng Công Thanh phát sinh khoản lỗ sau thuế 615,4 tỷ đồng cho năm tài chính kết thúc 31.12.2018 và cũng tại ngày này khoản lỗ lũy kế của công ty vượt quá vốn góp chủ sở hữu một khoản là 1.386,9 tỷ đồng. Điều này, cùng với với đề khác liên quan đến khoản nợ của Xi măng Công Thanh tại Vietinbank cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

VietinBank chuyển nợ sang VAMC

Thể hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán của Xi măng Công Thanh, PwC Việt Nam cho biết, các khoản nợ của công ty tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã bán lại cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) theo thông báo tại công văn số 5266 ngày 26.12.2018 của VietinBank và lịch trả nợ của công ty đã được cơ cấu lại.

Theo kế hoạch trả nợ mới, Xi măng Công Thanh cho biết có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm sau.

Tại báo cáo thuyết minh, trong 1.401 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn thì có 951 tỷ đồng nợ tại VietinBank được chuyển sang VAMC. Ngoài ra, Xi măng Công Thanh còn khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) là 450 tỷ đồng.

img

Về nguồn vay dài hạn, tính đến cuối năm 2018, vay dài hạn của doanh nghiệp này tổng cộng là 6.839 tỷ đồng đã được VietinBank bán toàn bộ sang VAMC. Trong đó vay dài hạn đến hạn trả là 4.559 tỷ và trái phiếu thường đến hạn trả là 2.280 tỷ đồng.

Khoản vay dài hạn 4.559 tỷ được VietinBank bán lại cho VAMC và được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.

Trong phần chú thích báo cáo tài chính ghi rõ, theo biên bản làm việc giữa Xi măng Công Thanh và VAMC ngày 28.3.2019, VAMC yêu cầu công ty thực hiện thanh toán nợ theo kế hoạch đã đề xuất tại Văn bản số 110/2019/CCT ngày 14.2.2019. Lịch trả nợ có thể được điều chỉnh nếu tình hình hoạt động có thay đổi tốt hơn.

Theo đó, khoản vay dài hạn được cơ cấu đến năm 2035 và công ty phải thanh toán nợ gốc từ 2017 đến 2035 dựa trên lịch trả nợ đã thỏa thuận. Phần thanh toán lãi vay lũy kế đến 2018 sẽ được phân bổ trả từ 2022 đến 2027. Phần lãi vay phát sinh sau đó sẽ phân bổ để trả theo kế hoạch dòng tiền 2022-2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả sẽ được thanh toán hết đến 2035.

img

Với khoản trái phiếu thường 2.280 tỷ, lịch trả nợ được điều chỉnh như sau: năm 2018 trả 50 tỷ, năm 2019 là 150 tỷ, năm 2020 là 200 tỷ và giai đoạn 2021-2035 thanh toán tiền nợ gốc còn lại. Với phần lãi trái phiếu lũy kế đến 2018 sẽ thanh toán từ 2022 đến 2027, phần lãi phát sinh giai đoạn sau sẽ thanh toán từ 2022 đến 2035.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem