Xin - cho trong cấp phép xây dựng là bệnh nan y?

Thứ hai, ngày 25/11/2013 17:49 PM (GMT+7)
Nhất trí việc cấp phép xây dựng là nội dung quan trọng trong quản lý hoạt động xây dựng, nhưng trong phiên thảo luận về Luật Xây dựng ngày 25.11, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Việc cấp phép theo các quy định này còn nhiều bất cập.
Bình luận 0
Đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) khẳng định: “Hiện nay, tình trạng xin-cho trong cấp phép vẫn còn rất phổ biến. Xin-cho trong tất cả các phương diện thể hiện ở thỏa thuận công đoạn về quy hoạch kiến trúc. Việc thỏa thuận này dễ dẫn đến sự tùy tiện trong quản lý nên hậu quả rất nhiều dù Luật Xây dựng năm 2003 quy định phải có quy hoạch chi tiết hoặc có thiết kế đô thị hay phải có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc mới được cấp phép. Gần đây, Nghị định 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng cũng quy định như vậy, nhưng thực tiễn vẫn chỉ là thỏa thuận xin và cho. Các cơ quan xin mà không cho thì phải cho rồi mới xin; không xin được thì phải cho nữa mới được, thậm chí cho cũng không nhận được. Vòng luẩn quẩn này thì luật đã nói, nhưng vẫn chưa thể khắc phục được”.

Đề nghị phải làm rất chặt về vấn đề này, đại biểu Thạch bày tỏ: “Ban soạn thảo phải đưa ra đủ các chế tài mạnh để các biện pháp tháo gỡ, giải quyết câu hỏi rất khó là tại sao 10 năm nay chúng ta chưa làm được và Chính phủ chỉ đạo công việc này như thế nào?”.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết thêm: “Quy hoạch xây dựng có nhiều điểm mới nhằm khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch với quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, một số điều, khoản về quy hoạch chưa khắc phục được những tồn tại về tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn hạn chế, manh mún khi quy định thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, xây dựng phân khu chức năng đặc thù từ 20-25 năm”.

Trong khi đó, khẳng định đầu tư xây dựng là lĩnh vực lớn của xã hội, theo tài liệu thống kê chiếm tới 70% tổng đầu tư của xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: “Luật phải quy định rõ về thành phần phân loại và cấp công trình để quản lý nhà nước thì mới phát huy hiệu quả.

Ví dụ, chúng ta đang có những dự án đầu tư rất lớn, rất hiện đại, quy mô, nhưng do không phân rõ chức năng quản lý nhà nước về cấp và loại công trình dẫn đến hiện nay có nhiều bức xúc trong dư luận xã hội”.
Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem