Xin đừng lãng quên Mật khu Hóc Hỏa

Trương Thanh Liêm (Cần Thơ) Thứ năm, ngày 30/07/2020 09:52 AM (GMT+7)
Mật khu Hóc Hỏa" được hình thành cách nay đã 60 năm (năm 1960) nay còn lại những cánh rừng bần, đước, mắm… phát triển xanh tốt như chứng nhân của cuộc chiến tranh trên quê hương gian lao mà anh dũng này.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Léo (Ba Léo), 70 tuổi ngụ ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre dẫn chúng vượt trên 20 km đường ven biển để đến với địa điểm mang tên "Mật khu Hóc Hỏa".

Ông Léo kể: "Đây là mật khu hiểm trở che giấu nhiều lực lượng quân giải phóng làm bàn đạp tiến công đồn bốt giặc. Cạnh đó đây là điểm trung chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng từ những con tàu "không số" từ Bắc vào Nam cặp bến tại Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh đến các chiến trường. Địch nhiều lần đánh phá vào mật khu này nhưng đều thất bại".

Xin đừng lãng quên mật khu Hóc Hỏa - Ảnh 1.

Sa bàn tái hiện mật khu Hóc Hỏa xưa. Ảnh Tư liệu

Đưa chúng tôi len lõi vào sâu mật khu xưa, ông Léo cùng một số lão thành cách mạng địa phương kể rất rành mạch về căn cứ này. 

Hóc Hỏa nối liền với Cồn Kẽm và nhiều con rạch rất um tùm nhiều gai góc thuộc cồn Bà Tư Phò, cồn Văn, cồn Nghêu nối liền các xã Thới Thuận, Thừa Đức, Thừa Mỹ, Thạnh Phước…Hóc Hỏa có nhiều búng nước (vùng nước xoáy) rất sâu, nguy hiểm như búng ông Tời, ông Đạt, ông Lễ…

Trên đất liền có rất nhiều cây chùm Lé (có nơi gọi là chùm ré) và cây chà là gai, mắm, bần, đước chằng chịt nên Mỹ - Ngụy rất ngán ngại hành quân bằng đường bộ. 

Thay vào đó chúng thường oanh kích bằng máy bay, tàu chiến, đại bác để mong xóa sổ mật khu. 

Xin đừng lãng quên mật khu Hóc Hỏa - Ảnh 2.

Mật khu Hóc Hỏa hôm nay. Ảnh: Thanh Liêm

Từ năm 1960 đến 1968, mật khu nhiều lần đối phó với những cuộc càn quét quy mô lớn của Mỹ - Ngụy và lập được nhiều chiến công, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, tịch thu trên 300 khẩu súng các loại, trong đó có 8 khẩu pháo 105 li và nhiều vũ khí quân dụng khác. 

Một yếu tố rất quan trọng khác là lực lượng cách mạng đã rất an toàn bởi sự chở che quyết liệt của người dân vùng biển Thừa Đức, Thới Thuận. 

Tại đây, người dân đã mưu trí xây dựng một ngôi chùa khá lớn mang tên chùa Hóc Hỏa với một nghĩa trang "giả", bên dưới hàng trăm ngôi mộ "giả" là các hầm vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Xin đừng lãng quên mật khu Hóc Hỏa - Ảnh 3.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức (Sáu Quyết) và mô hình trái thủy lôi đánh chìm tàu giặc tại Rừng Sác xuất phát từ mật khu Hóc Hỏa. Ảnh Tư liệu.

Mật khu có một đoàn tàu chuyên làm nhiệm vụ chở vũ khí từ các bến mà tàu không số cặp bến để nhận hàng. Đơn vị có tên A 100 sau đổi thành A 101. Người vào ra mật khu được kiểm tra nghiêm ngặt, đúng nguyên tắc, đảm bảo bí mật tuyệt đối.

Năm 1963, Liên Xô lúc bấy giờ đã chi viện cho chiến trường miền Nam hai trái thủy lôi cực "khủng" có khả năng đánh chìm những tàu chiến hiện đại của Mỹ. Hai trái thủy lôi được tàu không số vận chuyển và cặp bến Thạnh Phong. 

Sau đó được ông Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng tổ chức "lai dắt" từ bến tàu không số huyện Thạnh Phú về mật khu Hóc Hỏa an toàn sau hơn 2 ngày đêm lênh đênh trên biển. 

Những người cùng tham gia việc vận chuyển 2 trái thủy lôi trên còn có các ông: Hai Bình, Năm Thái, Bảy Phong, Tư Nửa, Lê Hùng…

Tiếp đó, hai trái thủy lôi "khổng lồ" được thủy thủ do ông Đức chỉ huy tiếp tục vượt biển đến Rừng Sác (huyện Cần Giờ, Sài Gòn) bàn giao cho lực lượng biệt động Sài Gòn đánh chìm chiếc tàu chiến hiện đại bậc nhất của hải quân Mỹ neo đậu trên biển Rừng Sác lúc bấy giờ. 

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Léo đang lưu giữ khá nhiều hình ảnh, bút tích có liên quan đến 2 trái thủy lôi và hình ảnh thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức, xem đây như một báu vật của đời mình. Cũng từ sự ngưỡng mộ đó, ông Léo đã chế tác khá tinh xảo nguyên mẫu trái thủy lôi và chiếc tàu Mỹ bị đánh chìm trên sông Rừng Sác.

Ông Nguyễn Văn Léo kể thêm: " Sau ngày giải phóng, tôi đã về Hóc Hỏa rất nhiều lần để thực địa, tìm hiểu các tư liệu, nhân chứng " sống" có liên quan để hình thành một sa bàn có diện tích trên 50 mét vuông với đầy đủ các cứ điểm có thật để phục vụ công chúng.

Ông Ba Léo tiếp tục câu chuyện: "Tiếc rằng đến nay chưa thấy cơ quan nào tìm hiểu câu chuyện bi hùng tại mật khu Hóc Hỏa, thậm chí có nhiều người dân tự chiếm đất, khai thác bừa bãi làm biến dạng căn cứ cách mạng đáng giữ gìn, tôn tạo phục vụ cho việc giáo dục lịch sử đấu tranh cho thế hệ trẻ. 

Những thủy thủ nay hầu như đã qua đời vì cao tuổi nhưng vẫn có người hiện còn sống. Tôi mong các cơ quan có liên quan sớm làm sáng tỏ câu chuyện này và nhà nước cần có sự tri ân đúng mực với những ai đã từng sống, chiến đấu tại mật khu Hóc Hỏa. Đó là lẽ công bằng". 

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0857.835.666.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 3 tác phẩm có chất lượng của tháng. Mức thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải.

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem