Xin giảm thuế về 0% để “bảo vệ” 120.000 lao động ngành ô tô

Hoàng Thắng Chủ nhật, ngày 18/06/2017 06:00 AM (GMT+7)
 “Mong Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô dạng CKD về 0% đối với các linh kiện chưa sản xuất được trong nước. Và áp dụng thuế nhập khẩu ở mức trần cam kết đối với linh kiện trong nước đã sản xuất được để tạo việc làm ổn định cho hơn 120.000 lao động trực tiếp trong ngành ô tô”, Ông Phạm Văn Tài – Phó TGĐ Thaco nói.
Bình luận 0

imgNhiều DN lo lắng khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về 0%

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, đại diện các doanh nghiệp sản xuất ô tô đã chia sẻ khó khăn khi từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về 0%.

Ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc công ty TNHH General Motors Việt Nam cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang phải đương đầu với những bất lợi của sản xuất nhỏ và không đủ quy mô kinh tế trong nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô.

Các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu. Điều này làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất có thể lên tới khoảng 10 - 20%, sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018. Làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe ô tô nguyên chiếc của ASEAN”.

Ngoài ra, ông Sumito Ishii đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam hiện không đủ quy mô kinh tế. Các nhà sản xuất ô tô và cung cấp linh kiện đánh giá ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Vậy nên, hiện thị trường ô tô Việt Nam không có sự gia nhập đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ô tô toàn cầu và thị trường.

“Các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, liệu các nhà sản xuất ô tô có duy trì hay tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam hay không? Khi nào và tăng bao nhiêu? Cũng chưa có đủ cơ sở cho nhiều doanh nghiệp xem xét đến các hoạt động xuất khẩu”, ông Sumito Ishii nói.

Ông Phạm Văn Tài – Phó TGĐ Cty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, công nghiệp hỗ trợ không những là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp ô tô, mà còn phát triển các ngành cơ khí, nông nghiệp, ngư nghiệp. Góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

img

Ông Phạm Văn Tài (áo đen) – Phó TGĐ Thaco

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ cần một sản lượng đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Góp phần thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành cho ô tô sản xuất trong nước.

“Tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam rất lớn, với hơn 90 triệu dân và hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện. Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao và là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, tin học, tự động hóa”, ông Tài nói.  

Theo ông Tài, để phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN về 0% vào năm 2018, Chính phủ cần có những chính sách bảo vệ thị trường ô tô trong nước để công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới có thể tích lũy tài chính, công nghệ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

Do vậy, các chính sách liên quan tới công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cần nhất quán và đồng bộ trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập. Tạo sự yên tâm để các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ.

Ông Tài đề xuất: “Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ giảm xuống 0% từ ngày 1.1.2018. Do vậy, mong Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô dạng CKD về 0% đối với các linh kiện chưa sản xuất được trong nước, hiện là khoảng 15 – 20%. Và áp dụng thuến nhập khẩu ở mức trần cam kết đối với linh kiện đã sản xuất được trong nước giúp tạo việc làm ổn định cho hơn 120.000 lao động trực tiếp trong ngành ô tô”.

img

Ông Phạm Văn Tài kiến nghị giảm thuế về 0% để “bảo vệ” 120.000 lao động ngành ô tô

Ngoài ra, ông Tài cũng đề xuất, cần miễn thuế TTĐB cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng được nội địa hóa. Góp phần giảm giá xe ô tô xuất xưởng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các biện pháp chống gian lận thương mại, kiếm tra, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất sứ - C/O trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Hoan nghênh tất cả các ý kiến của Hiệp hội Ô tô, cũng như công ty Trường Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam rất quan tâm tới ngành công nghiệp ô tô, cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Đã có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sau đó, Chính phủ cũng có Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói: “Chúng tôi xin hoan nghênh sáng kiến tổ chức đối thoại giữa Chính phủ, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chúng tôi sẵn sàng bàn bạc các vấn đề, giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam một cách ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thuế nhập khẩu về 0% với các nước ASEAN.

Đặc biệt lưu ý vấn đề chống gian lận thương mại, bảo đảm cạnh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và nước ngoài”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem