Xoài, bánh tráng, tôm khô miền Tây ùn ùn lên TP.HCM tìm đường vào siêu thị hậu giãn cách

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 04/12/2021 14:13 PM (GMT+7)
Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nông sản như xoài keo, bánh tráng, tôm khô miền Tây ùn ùn tìm cơ hội lên kệ các siêu thị để tiếp cận người dùng dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu mang sản phẩm, đặc sản đến TP.HCM để "chào hàng" siêu thị.

Hàng vào siêu thị phải đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Ông Huỳnh Thanh Minh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình (tỉnh An Giang), mang xoài keo cùng thông tin giới thiệu về sản phẩm, quy trình trồng, chứng nhận đã đạt được lên giới thiệu với các hệ thống siêu thị, bán lẻ lớn tại TP.HCM.

Ông Minh cho biết hợp tác xã đã xuất khẩu xoài keo và xoài Đài Loan đi nhiều nước như Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc với sản lượng khoảng 60.000-80.000 tấn mỗi năm.

Xoài, bánh tráng, tôm khô miền Tây ùn ùn lên TP.HCM tìm đường vào siêu thị - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Minh mang xoài keo An Giang kết nối với các hệ thống bán lẻ tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu phần nào bị ảnh hưởng, đó cũng là lý do khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng cường tìm thêm các nhà phân phối, bán lẻ trong nước. "Chúng tôi muốn tìm được đơn vị bán lẻ uy tín trong nước để hợp tác lâu dài", ông Minh nói. 

Mang sản phẩm xoài sấy dẻo lên chào hàng các siêu thị, đại diện công ty Vườn Bà Ba (tỉnh An Giang) cho biết sản phẩm đã lên kệ được một số điểm bán lẻ tại Đà Nẵng nhưng vẫn chưa tiếp cận được thị trường hơn 10 triệu dân tại TP.HCM.

Đơn vị này cho hay đây là sản phẩm mới nhưng rất được yêu thích thời gian qua, kỳ vọng sẽ được đón nhận và tiêu thụ tốt trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Nhiều hợp tác xã tại Kiên Giang, Cà Mau… cũng mang tôm khô, mắm các loại đến TP.HCM để chào hàng siêu thị. Theo đại diện các doanh nghiệp này, Covid-19 đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng, việc mở rộng kênh phân phối, nhất là kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, thương mại điện tử sẽ bán được nhiều hàng hơn.

Xoài, bánh tráng, tôm khô miền Tây ùn ùn lên TP.HCM tìm đường vào siêu thị - Ảnh 3.

Tôm khô miền Tây rất được người dân TP.HCM ưa chuộng. Ảnh: Hồng Phúc.

Đại diện Central Retail - đơn vị quản lý và vận hành chuỗi đại siêu thị Go!, Big C, Tops Market… nhận định, doanh nghiệp luôn tạo điều kiện cho nhà cung cấp đi đúng hướng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thị trường.

"Nếu đi đúng hướng thì chúng tôi chấp nhận rất nhanh, như có một đơn vị giới thiệu nước ép thanh long, nhu cầu thị trường về mặt hàng này đang có. Riêng những sản phẩm sản phẩm quá đại trà, quá nhiều nhà cung cấp thì chúng tôi phải xem xét kỹ hơn", vị này nói.

Hàng Việt sẽ có thị trường lớn hơn 

Hàng nghìn nhà cung cấp đã và đang mang sản phẩm đến TP.HCM để chào hàng các kênh bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op, SATRA, Central Retail, Bách Hóa Xanh… tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2021.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. 

Xoài, bánh tráng, tôm khô miền Tây ùn ùn lên TP.HCM tìm đường vào siêu thị - Ảnh 4.

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đang chào bán rất nhiều đặc sản vùng miền. Ảnh: Hồng Phúc.

Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu, các hệ thống phân phối TP.HCM đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Từ chương trình kết nối cung cầu lần đầu tiên năm 2012 chỉ có 14 tỉnh, thành tham gia, ký kết 43 hợp đồng hợp tác thì đến năm 2020, đã có hơn 50 tỉnh, thành tham gia, ký kết hơn 4.000 hợp đồng ghi nhớ hợp tác.

Bà Thắng yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp TP ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.

La liệt đặc sản đổ về TP.HCM, người dân tranh thủ đi sắm Tết sớm. Video: Hồng Phúc.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết do dịch bệnh Covid-19, chương trình kết nối cung cầu hàng hoá diễn ra trong thời gian TP.HCM tổ chức Tháng khuyến mãi tập trung nên sẽ tạo sức lan toả lớn cho chương trình. Năm nay, TP.HCM và các tỉnh, thành sẽ tăng cường kết nối online trên các nền tảng trực tuyến.

Sở Công Thương TP.HCM cũng sẽ mở văn phòng giao dịch tại TP.HCM cho các tỉnh, thành làm điểm trưng bày hàng hoá, qua đó hỗ trợ các địa phương giới thiệu hàng hoá đến doanh nghiệp, người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem