Xót xa: Rau Đà Lạt chết già vì rẻ quá, do rau Trung Quốc đột lốt?

Thứ sáu, ngày 03/08/2018 13:05 PM (GMT+7)
Trái với thường lệ là mùa mưa giá rau cao nhất, những ngày đầu tháng 8, giá rau Đà Lạt (Lâm Đồng) tụt dốc không phanh, người trồng để rau chết già ngoài ruộng mà không buồn thu hoạch do giá rẻ quá. Nguyên nhân được người dân cho là do nhập quá nhiều rau Trung Quốc và có sự "rửa" rau Trung Quốc thành rau Đà Lạt.
Bình luận 0

Nhiều loại rau chủ lực của Đà Lạt như bắp sú, cải thảo, cải cúc…đã quá ngày thu hoạch từ lâu nhưng vẫn bị gia chủ bỏ mặc ngoài trời dẫn đến hư hỏng. Nguyên nhân là do giá cả các loại nông sản này xuống rất thấp, kéo dài trong nhiều tháng qua, ngay cả vào mùa mưa, khiến nhà vườn, thương lái không mấy mặn mà với việc thu hoạch.

img

Nhiều vườn bắp sú tại phường 8, TP. Đà Lạt đã già, đang hư hỏng nhưng vẫn chưa được thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Dương, ngụ đường Vòng Lâm Viên, TP Đà Lạt cho biết, vụ hè thu này gia đình chị canh tác hơn 5 sào rau, trong đó 70% diện tích được trồng bắp sú, số còn lại là cải thảo. Khi xuống giống bắp cải được một tháng, chị Dương bán nguyên vườn cho thương lái với giá 5.000 đồng/gốc.

Đạp cho bật gốc để rau chậm lớn

Nay vườn bắp cải này đã quá thời kỳ thu hoạch, khoảng 20% diện tích đã hư hỏng vì cây bị già, thối gốc, nứt bắp, nhưng người mua vườn bắp cải trên vẫn không quay lại thu hoạch vì giá đang xuống rất thấp. Theo chị Dương, bắp cải tại vườn ở Đà Lạt hiện chỉ dao động trên dưới 1.500 đồng/kg, tức bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với giá này, nếu thuê nhân công thu hoạch, chi phí vận chuyển… người mua vườn bắp cải của gia đình chị Dương sẽ thua lỗ nặng. Trước thực trạng trên, không ít nhà vườn đang có bắp cải trong thời kỳ thu hoạch và những thương lái đã thu mua bắp cải nguyên vườn từ trước phải chấp nhận để rau ngoài trời mặc dù rau đã già.

Ông Trần Thanh Nhân, một thương lái chuyên thu mua rau Đà Lạt vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ cho biết: “Những năm trước, vào mùa mưa giá bắp cải Đà Lạt lên rất cao, có thời điểm khan hiếm hàng giá tăng gần 10.000 đồng/kg nên vào tháng 5 vừa qua, vợ chồng tôi bỏ tiền mua gần 2 ha bắp cải mới được nhà vườn xuống giống 1 tháng với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tưởng như mọi năm, vào mùa mưa giá bắp cải sẽ lên cao. Ai ngờ... thua lỗ thảm!”.

Hiện nay vẫn còn hơn 1 ha bắp cải đã già nhưng chưa thu hoạch vì thị trường tiêu thụ rất chậm. Để kéo dài thời gian của loại rau này, hai ngày qua ông Nhân thuê người đạp cho bắp cải bật gốc để cây phát triển chậm lại.

Tương tự, cải thảo Đà Lạt tại vườn hiện chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, bằng 50% so với cùng kỳ. Ông Phạm Văn Hưng, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP. Đà Lạt cho biết, mặc dù giá xuống rất thấp nhưng lượng tiêu thụ cải thảo trên thị trường vẫn rất chậm nên cả nhà vườn và thương lái đều đang lâm vào cảnh khốn đốn, vì bán không ai mua.

Các loại rau ngắn ngày như cải cúc, xà lách xoăn…cũng chỉ đạt hơn 2.000 đồng/kg. Điều đáng nói, giá cả nhiều loại rau trồng ngoài trời tại Đà Lạt xuống thấp trong mùa mưa là điều rất hiếm khi xảy ra. Bước vào mùa mưa, các loại rau trồng ngoài trời tại Đà Lạt rất dễ bị hư hỏng, sâu bệnh gây hại, sản lượng sụt giảm đáng kể nên giá cả thường cao nhất trong năm.

Do rau Trung Quốc đổ bộ quá nhiều?

Theo nhiều nhà vườn, riêng năm nay là trường hợp ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, giá cả nhiều nông sản chủ lực của Đà Lạt luôn duy trì ở mức thấp khiến nhiều vụ sản xuất của nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số thương lái chuyên thu mua nông sản Đà Lạt vận chuyển đi các nơi tiêu thụ cho biết, nguyên nhân khiến không ít loại rau của Đà Lạt giá cả xuống thấp là do mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đổ vào thị trường Việt Nam với số lượng rất lớn khiến cung vượt quá cầu.

Tình trạng nông sản giá rẻ của Trung Quốc được các tiểu thương nhập vào Đà Lạt rồi "nhập nhèm, đội lốt" xuất bán với mác “nông sản Đà Lạt” cũng gây ảnh hưởng tới thương hiệu và nền nông nghiệp Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán nông sản Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, có hành vi gian lận thương mại.

Ngày 25/7 vừa qua, Chi Cục quản lý thị trường Lâm Đồng đã phối hợp với CSGT Công an huyện Đạ Huoai kiểm tra hành chính xe tải lưu thông hướng TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, phát hiện gần 4 tấn cà rốt, 200kg tỏi Trung Quốc không hóa đơn chứng từ.

Tình trạng nông sản Trung Quốc từ TP. Hồ Chí Minh được chở ngược lên Đà Lạt để “hợp thức hóa nguồn gốc” sau đó lại chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ đã diễn ra. Hành vi gian lận này làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu nông sản Đà Lạt và gây thiệt hại cho người nông dân vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại giá rẻ của Trung Quốc.

Văn Báu (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem