Xu hướng và giải pháp thúc đẩy ứng dụng blockchain tại Việt Nam

Đình Đức Thứ sáu, ngày 30/12/2022 11:14 AM (GMT+7)
CBDC, NFT hay mã hoá tài sản đều được các chuyên gia đánh giá là những xu hướng tiếp theo nhằm tích hợp blockchain vào nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên các rào cản như hành lang pháp lý, nguồn nhân lực đang làm chậm quá trình này.
Bình luận 0

Trên thực tế, blockchain đang ngày càng chứng minh được vai trò và mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Các lợi ích độc quyền của việc trao đổi dữ liệu an toàn, minh bạch, là lý do hàng đầu cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Tuy nhiên mỗi năm sẽ mang lại những xu hướng phát triển mới dựa vào bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể.

Nhiều xu hướng blockchain bùng nổ

Một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho sự phát triển của blockchain trong tương lai là tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC). Theo công cụ phân tích dữ liệu Atlantic Council, hiện trên thế giới có 114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu đang khám phá CBDC, trong đó có 11 quốc gia đã ra mắt CBDC. Dự báo trong năm 2023, hơn 20 quốc gia khác sẽ thực hiện các bước quan trọng để thí điểm CBDC.

Theo ông Cris D.Tran - CSO công ty ONUS Việt Nam, ngoài CBDC, xu hướng mã hoá tài sản có giá trị có thể bùng nổ trong thời gian tới. Đối với các dự án blockchain, ông dự đoán có khoảng 30-35% dự án sẽ ứng dụng vào thực tế, còn lại sẽ đi theo xu hướng thị trường và kết thúc sớm.

Xu hướng và giải pháp thúc đẩy ứng dụng blockchain tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Cris D.Tran - CSO công ty ONUS Việt Nam. Ảnh: fazzaco.com

Ngành blockchain được đánh giá có thể bùng nổ trở lại sau mùa đông năm 2022, quá trình bùng nổ có thể diễn ra thông qua một xu hướng khác là NFT. Đây là một hình thái mới của tài sản doanh nghiệp được thể hiện trên mạng blockchain và mang lại giá trị về mặt dữ liệu rất lớn. Hiện tại, nhiều công ty đã bị thu hút bởi các ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain. Blockchain cũng là chủ đề của nhiều nghiên cứu như một loại công nghệ đột phá có thể được công nhận rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, muốn thành công với công nghệ blockchain, doanh nghiệp trong nước phải đầu tư nghiêm túc việc ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao thay vì chạy đua theo trào lưu. Việc đầu tư không phù hợp với mô hình kinh doanh sẽ tốn kém, thiếu hiệu quả và không phát huy được sức mạnh công nghệ này.

 Đưa blockchain vào giảng dạy tại các trường Đại học?

Bài toán nhân lực cũng là vấn đề hóc búa cần giải quyết dứt điểm, nhằm đưa ngành blockchain phát triển đột phá và có tính kế thừa. Về vấn đề này, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều buổi hội thảo với các trường Đại học lớn như Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học trực tuyến FUNiX… nhằm đưa ra các giải pháp để đưa blockchain vào giảng dạy.

Ông Hoài Nam, cố vấn dịch vụ bảo mật công ty Verichains cho rằng blockchain và Web3 mang lại thách thức về nghề nghiệp mới, do đó hoạt động đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng là tất yếu. Cần thúc đẩy các hoạt động đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng chuẩn quốc tế bởi công nghệ blockchain đại diện cho tính không biên giới.

Ngoài ra, với mục đích nâng cao việc phổ cập kiến thức đã được gạn lọc và chuẩn hóa về blockchain, Hiệp hội đã hợp tác với công ty sách AlphaBooks để ra mắt Tủ sách Blockchain gồm các đầu sách do các chuyên gia của Hiệp hội tham gia hiệu đính và đánh giá.

Ông Hoài Nam nhận định, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để ứng dụng công nghệ vào các ngành nghề truyền thống. Ví dụ tiêu chuẩn an toàn thông tin cộng đồng, tiêu chuẩn bảo mật, tiêu chuẩn kết nối dữ liệu, xác thực dữ liệu, hay tiêu chuẩn nhân sự khi tham gia lĩnh vực này.

Một vấn đề khác là hành lang pháp lý chưa rõ ràng đang khiến nhiều doanh nghiệp có góc nhìn tiêu cực với ngành blockchain. Tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam" diễn ra ở Nhà Quốc hội (Hà Nội) vào ngày 05/08, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng: "Tương lai của công nghệ blockchain phụ thuộc vào việc phát triển chính sách, xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ người dùng và doanh nghiệp". Để xây dựng tương lai cho blockchain, cần thiết có sự góp sức của Chính phủ, Nhà nước để tạo ra hành lang pháp lý, ban hành những khuôn khổ chung.

Bên cạnh việc thúc đẩy chính sách pháp lý, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã công bố dự thảo Bộ Tiêu chuẩn Đánh giá Xếp hạng Dự án Ứng dụng Blockchain/crypto và kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện.

Bộ Tiêu chuẩn đánh giá do nhóm thành viên thuộc Ủy ban Đầu tư và Ứng dụng Blockchain của Hiệp hội Blockchain Việt Nam soạn thảo, nhằm mục đích xây dựng một bộ lọc hiệu quả phục vụ quá trình đánh giá một dự án ứng dụng công nghệ blockchain, định lượng mức độ rủi ro, làm cơ sở cho các nhà đầu tư ra quyết định, cam kết thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ vào các ngành nghề truyền thống và tăng sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem