Xử lý chất thải chăn nuôi, "đồ bỏ đi" mang lại nhiều lợi ích

Quang Sung Thứ bảy, ngày 03/06/2023 13:25 PM (GMT+7)
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động chăn nuôi tại TP.HCM đối mặt với bài toán về môi trường. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.
Bình luận 0

Hoạt động chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM đang dần chuyển ra các vùng ven, nơi có tốc độ đô thị hóa chậm. Đặc trưng của những khu vực này là mật độ dân cư thấp, do đó có diện tích để xây dựng chuồng trại, trồng cánh đồng cỏ. Đặc biệt quan trọng hơn hết, là những khu vực này ít dân cư, do đó yếu tố môi trường trong chăn nuôi được đảm bảo.

Chất thải trong chăn nuôi không phải đồ bỏ đi

Tại trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Phạm Văn Vũ ngụ xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) có khoảng 40 con bò lớn nhỏ. Hiện nay nước thải từ chăn nuôi bò sữa được ông Vũ gom xuống hầm chứa.

Để chất thải trong chăn nuôi không phải là đồ bỏ đi - Ảnh 1.

Hầm chứa nước thải lộ thiên, dùng làm nước tưới cỏ voi. Ảnh: Quang Sung

Phân bò ông Vũ cho tập trung tại một nhà kho có mái che, đợi thương lái đến thu mua. Nước thải sau khi đưa xuống hầm chứa sẽ được dùng làm phân tưới cho các cánh đồng cỏ xung quanh trang trại. Nhờ có lượng phân hữu cơ này mà trang trại của ông Vũ tiết kiệm được số tiền lớn mua phân bón hóa học. Cũng nhờ nguồn phân này, giúp cánh đồng cỏ voi xanh và cho năng suất tốt.

Tương tự, tại trang trại chăn nuôi bò sữa của bà Lê Ngọc Mỹ tại xã An Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM), phân bò cũng được đưa vào hầm chứa lộ thiên để làm phân tưới cỏ. Ông Liêu Chia - người chăm sóc bò tại đây cho biết, phân bò sau khi thu gom sẽ được đưa xuống hầm, sau đó hóa lỏng dùng tưới cỏ.

Để chất thải trong chăn nuôi không phải là đồ bỏ đi - Ảnh 2.

Những đám cỏ voi xanh mướt nhờ sử dụng phân hữu cơ. Ảnh: Quang Sung

“Nhờ có cánh đồng cỏ và lượng phân bò có sẵn nên mới duy trì được nguồn thức ăn cho bò. Nếu không có phân này thì phải mua phân hóa học, giá thành cao. Nhờ đồng cỏ này mới giữ được đàn bò tới nay”, ông Chia cho hay.

Hiện nay, phân bò đang được nhiều thương lái thu mua với giá ổn định. Phân bò được dùng vào nhiều mục đích như: làm phân bón cây, nuôi trùn quế, làm giá thể… Nhờ có những ứng dụng này, một lượng lớn phân bò của ngành chăn nuôi bò sữa thành phố được tận dụng. Qua đó giảm lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.

Biogas - giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi

Theo Chi cục PTNT TP.HCM (Sở NNPTNT TP.HCM) bên cạnh những giải pháp trên, giải pháp xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi được khuyến khích. Theo đó, hầm biogas giúp chuồng trại chăn nuôi trở nên sạch sẽ; giải quyết được mùi hôi thối của phân vật nuôi, mùi hôi thối của chất thải từ nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngắn ngày,..); xác vật nuôi chết; mùn cống rãnh từ hoạt động sản xuất chế biến nông sản (mùn cưa, lá cây, vỏ cây), giết mổ gia súc...

Để chất thải trong chăn nuôi không phải là đồ bỏ đi - Ảnh 3.

Ngành thu mua phân bò phổ biến tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Chất thải được xử lý nên làm giảm một số bệnh tật như giun sán, truyền nhiễm; chuồng trại trở nên sạch sẽ, vệ sinh nhờ có hầm biogas. Qua đó, hạn chế được tình trạng phá rừng lấy củi đốt; giảm được thiên tai và hiệu ứng nhà kính (vì khí metan và khí cacbonic là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính); giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và nước mặt lẫn nước ngầm.

Hiện nay năng lượng từ biogas có thể dùng làm chất đốt, dùng thắp sáng. Theo ước tính 1m3 biogas có giá trị năng lượng tương đương với 0,4kg dầu diesel, 0,6kg dầu hỏa, 0,8kg than, 0,8 lít xăng. Với 1m3 biogas có thể sản xuất tương đương 1,25kWh điện sử dụng cho gia đình 5 người và thắp sáng bóng đèn 60W trong 6 giờ.

Để chất thải trong chăn nuôi không phải là đồ bỏ đi - Ảnh 4.

Hầm biogas là giải pháp về môi trường và kinh tế cho người chăn nuôi. Ảnh: Chi cục PTNT TP.HCM

Theo Chi cục PTNT TP.HCM, chất thải từ chuồng trại khi được cho vào hầm biogas sẽ bị biến đổi và một phần được chuyển hóa thành khí biogas. Phần còn lại là nước thải và các chất cặn bã có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác. Trong đó, điển hình như dùng làm phân hữu cơ sinh học để bón cho cây cối, hoa màu, giúp tăng năng suất, hạn chế được sâu bệnh, nâng cao độ dinh dưỡng của đất. Ngoài ra, cặn bã và nước thải biogas còn có thể dùng vào việc nuôi cá theo mô hình vườn - ao - chuồng, hoặc dùng để nuôi trùn quế... tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Việc đầu tư làm hầm biogas không chỉ giúp xử lý tốt môi trường trong chăn nuôi mà còn mang lại nhiều lợi ích như tạo ra nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ gây bệnh cho người và gia súc. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi, cũng như ngành nông nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem