Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xử lý quyết liệt, tại sao tội phạm tham nhũng không giảm mà tăng 33%?

Thành An Thứ năm, ngày 15/09/2022 12:07 PM (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phải làm rõ vì sao rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được xử lý, nhưng tội phạm này vẫn tăng?
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 15, sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xử lý quyết liệt, tại sao tội phạm tham nhũng không suy giảm, vẫn tăng 33%? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: QH.

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" gia tăng

Trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2022 công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng.

Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xử lý quyết liệt, tại sao tội phạm tham nhũng không suy giảm, vẫn tăng 33%? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn một số trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp khó khăn.

Còn trong thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2022, bà Nga cũng chỉ rõ tội phạm giết người tăng 7,43%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 36,24%, một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp giật… Tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng 33,33%.

Đối với báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Xử lý quyết liệt, tại sao tội phạm tham nhũng không suy giảm, vẫn tăng 33%? - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH.

Xử lý quyết liệt, tại sao tham nhũng không giảm, vẫn tăng 33%?

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo cần làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nguy hiểm đã được xử lý quyết liệt, nghiêm, răn đe rất cao nhưng loại tội phạm này chưa có dấu hiệu suy giảm mà có tăng thêm tương đối cao trên 33%.

Đặc biệt các vụ án ở Việt Á, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao, FLC. Từ đó ông đề nghị phân tích sâu hơn, giải pháp hữu hiệu để kiềm chế loại tội phạm này.

Nêu ý kiến thảo luận, đề cập đến phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, cập nhật, bổ sung thêm số liệu để cập nhật tình hình. Thời gian qua xảy ra một số vụ cháy hết sức nghiêm trọng như cháy quán karaoke ở Bình Dương làm 32 người chết hay vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Ông nói cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan vấn đề PCCC, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này để có giải pháp phù hợp, ngăn chặn.

Bên cạnh đó, ông Tùng nêu hiện đã triển khai rất tốt việc cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân nhưng để sử dụng hiệu quả cần có sự tương ứng, đồng bộ thiết bị. Vì vậy, cần có đánh giá cụ thể việc này.

Một vấn đề khác được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt ra là một số cơ quan, địa phương thu hồi sổ hộ khẩu của người dân chưa đúng, chưa phù hợp với Luật cư trú.

"Luật cư trú cho phép thu hồi sổ hộ khẩu trong một số trường hợp. Nhưng tại một số địa phương thực hiện chưa thật sự đúng quy định dẫn đến có những ý kiến băn khoăn trong dư luận rằng thu hồi sổ gây khó khăn cho người dân khi pháp luật quy định sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị chứng minh nơi cư trú", ông Tùng nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo của Chính phủ cần có làm rõ hơn và có giải pháp, dự báo các vấn đề có thể gây khó khăn, vướng mắc khi hết năm 2022 theo quy định của Luật cư trú thì sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị.

19 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng

Đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).

Cơ quan công an đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can­­.

Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ /1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ /949 bị cáo; xét xử 285 vụ/680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm.

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỷ đồng; trong đó: số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỷ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,51%).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem