Xử lý tin xấu độc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp mạnh

Thành An Thứ sáu, ngày 08/11/2019 09:14 AM (GMT+7)
Sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Nhiều câu hỏi liên quan đến việc xử lý thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội được ĐBQH đặt ra.
Bình luận 0

Sẽ có quy định xử lý tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn về hiện tượng người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông nhiều người gọi là "báo chí nhân dân". Trong đó có nhiều trang mạng xấu độc nhưng cũng có một lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Yếu tố đầu tiên để ngăn chặn chính là hành lang pháp lý.

img

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Ông lấy ví dụ Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy.

Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. "Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả", ông nói.

Bộ trưởng TTTT cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được.

Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội. "Mọi người đừng nghĩ rằng dùng mạng xã hội thì không ai biết danh tính", Bộ trưởng TTTT nói.

Giải pháp thứ 2 được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến là thường xuyên làm việc với những công ty nền tảng như Facebook, Google để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; tìm ra danh tính tài khoản trên mạng xã hội; có công cụ tự động xoá bỏ tin xấu, độc. Song song với đó, là giáo dục nâng cao nhận thức sống; phân biệt được đúng – sai trên không gian mạng.

“Nếu chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi cái tin xấu đó và làm cho người đưa tin xấu đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với trả lời của Bộ trưởng Hùng, ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, nếu người sử dụng mạng không xem tin xấu, độc thì làm sao biết là xấu, là độc, là giả. “Vấn đề là, người đọc phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai, cái nào thật, cái giả. Còn không xem thì không biết gì hết”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tư lệnh ngành TTTT cho rằng, tất nhiên vẫn phải xem 1, 2 lần để biết cái trang đó, người đó nói về cái gì và phải có thái độ. “Một lần xem xong thì có phần dislike thì chúng ta cũng nên thể hiện thái độ. Trong đời thực một người làm việc xấu thì một ánh mắt nhìn thôi thì đã ngăn chặn được hành động đó rồi. Trong không gian mạng không có ánh mắt nhìn thì chúng ta có hành động dislike để thể hiện thái độ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đâu là ngưỡng của việc khai thác bí mật đời tư cá nhân?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (đoàn Hòa Bình) đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, nhiều tờ báo đang khai thác quá đà thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trong khi đây là những quyền được pháp luật bảo vệ, Bộ trưởng TTTT cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết.

“Bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp nhận thức của nhà báo. Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Người đứng đầu ngành TTTT cũng hứa sẽ cùng với Hội nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mạng và trách nhiệm của người những người làm nghề báo đối với xã hội.

Riêng về thông tin đời tư, theo ông, bản thân mỗi người cũng chưa ý thức bảo vệ. Ông lấy ví dụ, khi đi mua hàng ở các siêu thị thường hay đề nghị khách hàng điền thông tin để làm thẻ khách hàng.... "Chúng ta dễ dãi trong chuyện đưa thông tin cá nhân của mình", ông nói.

Bộ trưởng TTTT thừa nhận chưa có chế tài quy định việc doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân ra sao, bảo mật thế nào, trường hợp nào được cung cấp... Vì thế Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành về xây dựng Nghị định về vấn đề này.

Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng khuyến nghị nền tảng mạng xã hội phải có công cụ tự động xoá thông tin xấu, độc. Ông kêu gọi người dùng nâng cao kỹ năng, đạo đức khi dùng mạng xã hội để phân biệt đúng, sai.

"Nếu chúng ta đọc một tin xấu và vô tình làm cho tin đó lan ra. Mỗi lần như vậy, tin đó có thêm view, quảng cáo, thu nhập và chúng ta góp phần làm cho tin đó phát tán", Bộ trưởng TTTT nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem