Xứ nghèo Mường Lát đã “lột xác“

Ngọc Lê Chủ nhật, ngày 21/06/2015 06:20 AM (GMT+7)
Với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, Mường Lát - xứ sở nghèo khó những năm trước giờ đã thực sự đổi khác, như “hoa về trong đêm hơi” mà nhà văn Quang Dũng đã viết trong bài thơ Tây Tiến.
Bình luận 0

Đụng đến đâu cũng… oải

Mường Lát là huyện biên giới của tỉnh Thanh Hóa với chiều dài đường biên giáp nước bạn Lào lên tới trên 110km. Toàn huyện, ngoài thị trấn Mường Lát, 8 xã còn lại đều thuộc vào diện không thể khó khăn hơn được nữa. Cũng bởi đặc thù như vậy, từ nhiều năm qua Nhà nước đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho Mường Lát, gần đây còn có cả doanh nghiệp “đỡ đầu” cho huyện, nhưng sự đổi thay của vùng đất “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” dường như chưa thấm vào đâu.

img
Con đường vào bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát đã được rải cấp phối đảm bảo ô tô đi vào được. Ảnh : Ngọc Lê
Theo sự giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi đến bản Poọng, xã Tam Chung, được biết đến là một trong những bản đang làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của toàn huyện. Bản Poọng vốn bị gắn liền với cái tên không lấy gì làm hay - “Bản AIDS” do trong giai đoạn khoảng từ năm 2006-2010, trên địa bàn bản này liên tục có các đối tượng bị AIDS rồi chết. Gặp chúng tôi, khi vừa mới “nhậm chức” trưởng bản tròn 2 tháng, ông Hoàng Thanh Tâm- Trưởng bản Poọng nói: “Số thanh niên trong bản giờ còn ít lắm, đa phần đã chết vì nghiện hết rồi”.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, muốn vào bản Poọng chỉ có cách đi xe máy, mà cũng rất khó đi, vì toàn đường đất lầy lội. Còn bây giờ, con đường đã được rải đá cấp phối, ô tô có thể vào bản. Những căn nhà lúp xúp trước đã được thay mới bằng sự trợ giúp của Chương trình 30A của Chính phủ, sự hỗ trợ doanh nghiệp với những đồng bào còn nhiều khó khăn.

Trước đây, nhà cửa ở bản Poọng hoàn toàn là tranh tre nứa lá, và dân chưa được dùng điện lưới quốc gia. Cùng với việc Chính phủ đưa điện đến với bản nghèo, Viettel cũng đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo dưới dạng “đỡ đầu” như tinh thần Chương trình 30A để giúp người dân cải thiện cuộc sống bền vững. Theo đó, 30 hộ nghèo tại đây được hỗ trợ tiền sửa nhà với số tiền 500.000 đồng/hộ.

Ông Tâm cho biết, đến nay, 17 hộ đã thoát nghèo, có nhà cửa chắc chắn. Từ khi nhà cửa được sửa chữa vững chãi, bà con phấn khởi, đua nhau làm kinh tế, quyết tâm thoát cái nghèo, cái đói.

Không còn phải xin gạo cứu đói

Ông Cao Văn Cường- Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Thực hiện Chương trình 30A, đã có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ Mường Lát, nhờ đó đến nay huyện đã xóa được 147 nhà tranh tre nứa lá. Cùng với đó là xây dựng được các công trình xã hội như trạm y tế, cấp xe cứu thương, máy vi tính cho các cơ quan… Cũng theo ông Cường, về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Mường Lát cũng nhận được sự hỗ trợ trực tiếp về cây, con giống, nổi bật là giống bò lai Sind, giống lúa lai, ngô lai…

Nói về những thành công bước đầu của huyện, ông Cường cho biết, từ khi nhận được sự hỗ trợ theo Chương trình 30A, cái được lớn nhất của Mường Lát là thay đổi nhận thức nhân dân. Từ trước, người dân ở huyện chủ yếu canh tác theo tập quán, thì giờ họ đã biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, canh tác. Nhờ đó, năng suất các loại cây trồng ngày càng tăng, đời sống nhân dân được cải thiện, hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh. “Đặc biệt, từ năm 2014, Mường Lát không còn phải xin gạo cứu đói nữa”- ông Cường tự hào khoe.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát đã và đang giảm qua từng năm. Như năm 2013 giảm 9,2%; sang năm 2014 giảm 9,91%. Diện mạo bộ mặt nông thôn đã thay đổi. “Ý thức vươn lên thoát nghèo, không cam chịu đói nghèo của bà con rất cao. Rất nhiều hộ đồng bào tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, đồng bào coi việc nghèo không phải việc cố gắng mà thoát nghèo là tự hào”- ông Cường chia sẻ.

Với ý thức tự lực đó, ông Cường cho biết, Mường Lát cam kết sẽ sử dụng đúng, trúng các nguồn được Nhà nước và doanh nghiệp tài trợ, trước mắt thực hiện triển khai các gói hỗ trợ nâng cấp hệ thống truyền thanh không dây, hỗ trợ làm nhà ở với mức 60 triệu đồng/hộ...

Bên cạnh việc được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xóa nhà tranh tre nứa lá, những hộ đặc biệt nghèo còn được tặng bò giống lai Sind giúp họ có sinh kế mới. Tính đến tháng 4, tổng số bò mà bà con Mường Lát được hỗ trợ là 352 con (52 con hỗ trợ theo Chương trình 30A, 250 con theo Chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới). 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem