Xuất khẩu da giày khó đạt mục tiêu 24 tỷ USD

Thanh Phong Thứ hai, ngày 02/11/2020 17:10 PM (GMT+7)
Theo nhận định từ phía Bộ Công Thương, trước tình trạng bệnh dịch tiếp tục gia tăng tại Mỹ và các nước châu Âu, xuất khẩu da giày của Việt Nam năm 2020 khó “cán đích” 24 tỷ USD.
Bình luận 0

Cụ thể, số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng giày dép da tháng 10/2020, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 31 triệu đôi.

Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 249,1 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019, ở mức. Tuy nhiên, sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, từ quý III/2020 tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành giày dép đang dần phục hồi. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại.

Xuất khẩu da giày khó đạt mục tiêu 24 tỷ USD - Ảnh 1.

Thiếu đơn hàng, xuất khẩu da giày khó đạt mục tiêu 24 tỷ USD năm 2020

Đặc biệt, sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất về xuất khẩu.

"Qua 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, nông sản… Trong số đó, mặt hàng tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA là giày dép (đạt kim ngạch 385 triệu USD), tiếp đến là thủy sản (118 triệu USD), nhựa và sản phẩm nhựa (48 triệu USD)...", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, hiện tại, sức mua của các thị trường nhập khẩu chính mặt hàng da giày của Việt Nam còn yếu. Nguyên nhân là do, diễn biến dịch Covid-19 vẫn gia tăng tại Mỹ và Châu Âu.

Theo đó, đơn hàng dù đã quay trở lại nhưng chưa nhiều do các nhà nhập khẩu còn thận trọng. Vì vậy, Bộ Công Thương dự báo, mục tiêu xuất khẩu da giày năm 2020 không thể chạm tới con số 24 tỷ USD đặt ra và sẽ còn nhiều khó khăn trước.

Xuất khẩu da giày khó đạt mục tiêu 24 tỷ USD - Ảnh 2.

Tình hình dịch Covid - 19 tại Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, trong thời gian tới, tình hình thị trường mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý 4/2020 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Được biết, hiện tại, Mỹ và châu Âu tiếp tục là tâm dịch Covid - 19 của thế giới. Cụ thể, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 425.195 ca mắc Covid - 19 và 5.100 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh toàn thế giới lên 46.793.102.

Trong đó, bao gồm 1.204.844 ca tử vong, số bệnh nhân bình phục đã lên tới 33.716.915 người. Nhiều nước châu Âu bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa mới nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tăng vọt.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (65.823 ca), Ấn Độ (46.411 ca) và Pháp (46.290 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 493 ca), tiếp theo là Mexico (464 ca) và Mỹ (365 ca).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem