Xuất khẩu gạo trong EVFTA, đừng để tự làm khó nhau

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 30/07/2020 19:00 PM (GMT+7)
Công ty xuất khẩu gạo Trung An đánh giá việc giới hạn cụ thể diện tích đồng ruộng phải kiểm tra, trước khi xuất khẩu theo hiệp định EVFTA là không cần thiết, chỉ tự làm khó nhau.
Bình luận 0

Ý kiến này cũng nhận được sự tán đồng từ các doanh nghiệp khác tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU nhằm được hưởng ưu đãi hạn ngạch EVFTA, tổ chức tại TP.HCM ngày 30/7.

Xuất khẩu gạo trong EVFTA: Giới hạn cụ thể diện tích đồng ruộng phải kiểm tra chỉ tự ta làm khó nhau - Ảnh 1.

Doanh nghiệp góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EVFTA để được hưởng ưu đãi hạn ngạch

Theo Bộ NN - PTNT, trong tổng số 80.000 tấn gạo/năm, mà EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm là cần thiết phải quy định chứng nhận chủng loại xuất khẩu sang EU.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định: Lô ruộng sản xuất là 1 diện tích xác định của 1 hoặc nhiều thửa ruộng liền kề được gieo cấy cùng loại giống, cùng thời gian trồng và canh tác... Mỗi lô ruộng sản xuất có diện tích không lớn hơn 10ha.

Con số 10ha được đưa ra, vì có ý kiến cho rằng, để đảm bảo việc kiểm tra độ đúng của giống, thì mức tối đa 10ha là phù hợp với thực tế sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Lý – Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ  - cho biết: Vùng sản xuất thì không giới hạn diện tích. Tuy nhiên, với lô ruộng sản xuất là đơn vị nhỏ nhất để thực hiện kiểm tra,  phải có giới hạn diện tích nhất định, vì diện tích quá lớn sẽ khó đảm bảo tính đồng nhất.

Xuất khẩu gạo trong EVFTA: Giới hạn cụ thể diện tích đồng ruộng phải kiểm tra chỉ tự ta làm khó nhau - Ảnh 2.

Sản xuất lúa giống ở An Giang

Theo ông Lý, thông lệ chung của quốc tế về lô kiểm định, kiểm nghiệm sản phẩm đều có giới hạn tối đa. Ông Lý đề xuất, nên chăng, cần cân nhắc giới hạn với lô sản xuất. Ví dụ, đối với ruộng sản xuất giống thì 10ha, ruộng thương phẩm có thể lên gấp đôi. Còn về phương pháp thì tương tự, kiểm tra ruộng sản xuất giống xác nhận.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng: Không nên quy định cụ thể con số diện tích trong Nghị định, mà chỉ cần đảm bảo diện tích đúng giống và liền khoảnh.

Công ty Trung An vốn thực hiện sản xuất cánh đồng lớn từ nhiều năm nay. Theo ông Bình, bản thân doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo chất lượng sang EU đã phải nỗ lực đảm bảo tính thuần và chất lượng đồng đều của giống trên đồng ruộng.

Diện tích đồng ruộng cần kiểm tra, chỉ nên thống nhất trong thao tác kỹ thuật giữa đơn vị kiểm tra và doanh nghiệp. "Giới hạn cụ thể diện tích đồng ruộng phải kiểm tra chỉ tự ta làm khó nhau" - ông Bính nói.

Xuất khẩu gạo trong EVFTA: Giới hạn cụ thể diện tích đồng ruộng phải kiểm tra chỉ tự ta làm khó nhau - Ảnh 3.

Nông dân thu hoạch lúa ở Tây Ninh

Đồng tình với quan điểm trên, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty lương thực Long An cũng cho rằng, khi thực hiện sản xuất lớn, diện tích cánh đồng có thể lên đến 100-1.000ha mới đảm bảo hiệu quả. Nếu có quy định, thì diện tích mỗi lô ruộng sản xuất phải ở mức cao hơn.

Cũng liên quan vấn đề kiểm tra đồng ruộng, Tổng công ty Vinafood 1 đặt vấn đề: Doanh nghiệp A có hợp đồng, nhưng lại không có nguồn hàng được kiểm tra. Trong khi, doanh nghiệp B có nguồn hàng được kiểm tra, nhưng lại chưa có hợp đồng. Vậy doanh nghiệp A có được mua lại lô hàng đã xác nhận từ doanh nghiệp B không  ?

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Đây là là vấn đề giữa doanh nghiệp có thị trường, nhưng thiếu hàng với doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, nhưng không có thị trường. Vấn đề này có thể giải quyết được theo hướng dẫn về điều khoản chuyển tiếp được ghi trong dự thảo Nghị định.

Giữ nguyên tiêu chuẩn độ thuần giống lúa 95% để hướng đến “miếng bánh” to hơn trong EVFTA

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Nghị định lần này sẽ được hoàn thiện trên tinh thần chặc chẽ nhưng thông thoáng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh: EU không chỉ là thị trường không tính mà EVFTA có hiệu lực còn rất coi trọng tính minh bạch. Trong đó có 2 điểm cơ bản: gạo phải đúng loại giống mà EU đã cấp phép; và giống đó phải được sản xuất tại Việt Nam.

Đây cũng là 2 nội dung chính trong Nghị định lần này cần góp ý hoàn thiện trên tinh thần chặc chẽ nhưng phải tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp.

Thông qua các ý kiến, Thứ trưởng đồng ý không nên ghi diện tích đồng ruộng tối đa trong Nghị định. Con số khi kiểm tra chỉ nên là thỏa thuận thống nhất giữa đơn vị kiểm tra và doanh nghiệp.

Cục Trồng Trọt sẽ chỉ cấp chứng nhận đúng giống cho lô hàng xuất khẩu, cho đơn vị xuất khẩu chứ không phải cho nông dân trồng lúa. "Quan trọng đảm bảo kiểm tra đúng chủng loại và nguồn gốc. Doanh nghiệp đảm bảo đúng thì hàng được đi EU, không đúng thì về", Thứ trưởng Doanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem