Xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ phục hồi

09/12/2019 09:52 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2019 tiếp tục đà giảm tốc, kéo dài chuỗi giảm 4 tháng liên tiếp trong bối cảnh các nhà sản xuất chịu áp lực nặng nề từ thương chiến Mỹ Trung. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đang dần phục hồi nhờ hàng loạt biện pháp kích thích của chính quyền Bắc Kinh.
Kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ phục hồi  - Ảnh 1.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc bất ngơ tăng phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi

Cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 17 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tung nhiều gói kích thích trong bối cảnh tăng trưởng GDP nước này giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Theo dữ liệu Hải quan vừa công bố hôm 8/12, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức giảm 0,9% hồi tháng 10. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 4/2019 đến nay và vượt xa dự báo giảm 1,8% của các nhà phân tích. 

Dữ liệu nhập khẩu tốt hơn dự kiến báo hiệu nhu cầu trong nước tăng lên mạnh mẽ tại thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán cận kề. Trước đó, hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng có dấu hiệu phục hồi khi mà căng thẳng thương mại Mỹ Trung giảm nhiệt và hai quốc gia đang nỗ lực tiến tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Cũng theo số liệu mà Tổng cục Hải quan công bố, thặng dư thương mại trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ đạt 38,73 tỷ USD, giảm mạnh so với mức dự kiến 46,30 tỷ USD và giảm hơn mức thặng dư thương mại hồi tháng 10 là 42,81 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 11 đạt 24,6 tỷ USD, giảm từ mức thặng dư bình quân 26 tháng gần nhất là 26,5 tỷ USD.

Các dữ liệu kinh tế được công bố trong thời điểm Bắc Kinh và Washington thúc đẩy các cuộc thảo luận thương mại về nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng chưa thể thống nhất các chi tiết quan trọng. Cách đây 1 tuần, việc Tổng thống Donald Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền cho Hồng Kông cũng khiến căng thẳng leo thang khi Bắc Kinh chỉ trích đây là sự can thiệp thô bạo vào nội bộ chính trị quốc gia. 

Dù Tổng thống Donald Trump hôm 5/12 tuyên bố đàm phán thương mại đang diễn ra đầy lạc quan nhưng luận điệu của truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó đã chỉ rõ điều kiện tiên quyết để Bắc Kinh tiến đến thỏa thuận là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đang áp đặt lên hàng trăm tỷ USD hàng Trung Quốc. Ngay sau đó, ông Trump thậm chí đe dọa sẽ trì hoãn thỏa thuận đến sau bầu cử Tổng thống năm 2020. 

Thị trường hiện đang nín thở chờ đợi ngày 15/12 tới đây, thời điểm mà mức thuế quan với 156 tỷ USD hàng Trung Quốc tiếp theo có hiệu lực. Một quan chức Bắc Kinh giấu tên đã tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc sẵn sàng trả đũa thuế quan nếu mức thuế ngày 15/12 được Mỹ áp dụng, điều có thể kết thúc mọi viễn cảnh tươi sáng về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. 

Trung Quốc hôm 6/12 cũng chính thức xác nhận sẽ miễn thuế nhập khẩu với một số mặt hàng đậu nành, thịt lợn từ Mỹ. Đây được xem là một động thái bình ổn giá và kích thích nhập khẩu lương thực thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đẩy nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Tính đến tháng 10/2019, lạm phát giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng gần như gấp đôi so với cùng kỳ 1 năm trước đó. 

Bất chấp những dấu hiệu phục hồi thiếu rõ nét từ nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc vẫn khá dè dặt trong các biện pháp kích thích kinh tế do những áp lực lớn từ gánh nặng nợ công khổng lồ. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang hồi tuần trước tuyên bố Bắc Kinh sẽ tránh xa các biện pháp kỹ thuật như nới lỏng định lượng nhằm duy trì một chính sách tiền tệ thận trọng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục