Xuất khẩu giảm "sốc" 10 tỷ USD, tiết lộ bất ngờ từ chuyên gia

An Linh Thứ hai, ngày 17/04/2023 14:14 PM (GMT+7)
Quý đầu tiên năm 2023 chứng kiến đà giảm sốc của xuất khẩu Việt Nam. Nhiều ngành lĩnh vực thuộc nhóm xuất khẩu tỷ USD/tháng "hụt hơi" như dệt may, gỗ, da giày, điện thoại, linh kiện.
Bình luận 0

12 ngành xuất khẩu thế mạnh bị mất kim ngạch

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong sự suy giảm hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023,  có 12 ngành, lĩnh vực bị suy giảm giá trị và lượng hàng xuất khẩu. Đáng chú ý, trong số đó có tới 8 ngành, lĩnh vực suy giảm kim ngạch từ 200 triệu USD đến hơn 2,5 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, suy giảm nhiều nhất là sản phẩm điện thoại, linh kiện điện thoại. Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm sản phẩm này chỉ xuất khẩu được 13,4 tỷ USD, trong khi cùng kỳ là gần 16 tỷ USD, giảm hơn 2,5 tỷ USD.

Lĩnh vực thứ hai là dệt may với giá trị xuất khẩu suy giảm trên 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 7,17 tỷ USD.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng qua chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm trên 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. 

Hai lĩnh vực khác là thuỷ sản, cao su suy giảm lần lượt 680 triệu USD và gần 200 triệu USD.

Xuất khẩu Việt Nam giảm "sốc" 10 tỷ USD: Ngành lĩnh vực nào chịu thiệt hại nhất? - Ảnh 1.

Thuỷ sản cũng là lĩnh vực suy giảm xuất khẩu khi mất gần 700 triệu USD trong 3 tháng đầu năm (Ảnh minh hoạ).

Số liệu đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu giảm cùng với sản lượng xuất khẩu cũng giảm, điều này khiến lo ngại việc xuất khẩu khó khăn cả về đơn hàng lẫn giá trị.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng của doanh nghiệp trong nước suy giảm nhanh hơn so với việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ngoại Việt Nam với mức tương ứng là 15% so với 10%. Điều này cho thấy tác động và khó khăn của thị trường nhập khẩu đối với doanh nghiệp nội lớn hơn đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký hiệp hội thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những khó khăn về đơn hàng, suy giảm đà xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam chủ yếu do tác động của thị trường nhập khẩu, trong đó đặc biệt Mỹ.

Bà Lan cho biết, quý I/2023, lượng và giá trị xuất khẩu hàng của thuỷ sản Việt Nam giảm chủ yếu do cầu của thị trường nhập khẩu khẩu yếu. 

Tại Mỹ, thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam, khủng hoảng ngân hàng, lạm phát cao, lãi suất tăng khiến nhu cầu mua sắm người dân đình hoãn, xu hướng "thắt lưng buộc bụng" gia tăng.

Với các nhà nhập khẩu, việc nhiều ngân hàng ở Mỹ siết cho vay trong cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng khiến bản thân các nhà nhập khẩu cũng gặp khó khi thương thảo các vấn đề về nhập hàng.

Theo bà Lan, nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp nhập khẩu đang phải tái cơ cấu lại kho hàng do thời gian cuối năm 2022 đã tăng tốc nhập hàng. Sức mua kém, cộng với khó khăn nên họ phải giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Đại diện VASEP cho hay, hiện nay khi người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu tính lại chi phí và giá cả, thì thuỷ sản Việt Nam lại đối diện với bài toán khó cạnh tranh khi giá một số sản phẩm đắt hơn. 

Cụ thể, tôm là mặt hàng chủ lực vào Mỹ, nhưng hàng Việt đang bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm của Ấn Độ và Ecuador, giá tôm của hai nước này rẻ hơn Việt Nam.

Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, tình hình quý II, quý III và các tháng còn lại của năm 2023 rất khó dự đoán. "Thị trường có thể khởi một sắc chút xíu từ quý III/2023. Tuy nhiên, chúng tôi làm khảo sát với doanh nghiệp, trong tháng 4, 5/2023 họ đơn hàng chưa có, nguyên liệu cũng không dồi dào…". bà Lan cho hay.

Theo vị này, hiện có doanh nghiệp thuỷ sản phải cắt giảm giờ làm vì không có đơn hàng hoặc có hợp đồng mới. Một tuần chỉ duy trì sản xuất 3 ngày, thời gian làm cầm chừng và khó khăn được đánh giá là nhiều hơn so với giai đoạn năm 2021, 2022 khi còn là "đỉnh" dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đang phải "cắn răng" chịu đựng

Từ thực tế nêu trên, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng: Khó khăn lớn từ nước nhập khẩu nên có kiến nghị Nhà nước cũng không thể giải quyết được.

"Xuất khẩu gỗ sang Mỹ hiện chiến 55% tổng lượng các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện lãi suất tăng, lạm phát cao và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu khiến đơn hàng rất hạn chế", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản nhấn mạnh.

Xuất khẩu Việt Nam giảm "sốc" 10 tỷ USD: Ngành lĩnh vực nào chịu thiệt hại nhất? - Ảnh 2.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ đang gánh chịu đà suy giảm kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay (ÀNh CTV)

Vị này cho biết, đặc tính của người tiêu dùng Mỹ là vay mua sắm 90% mặt hàng, nên khi ngân hàng siết điều kiện vay, nâng lãi suất là ảnh hưởng rất lớn đến sức mua thị trường.

Trong khi đó, các thị trường khác như châu Âu, Nhật, Trung Quốc "quá nhỏ bé", không đủ thay thế sức mua thị trường Mỹ được.

"27 nền kinh tế EU và Anh, mỗi năm cũng chỉ nhập từ 800-900 triệu USD sản phẩm gỗ của Việt Nam, số lượng không nhiều. Nhật Bản, Trung Quốc chủ yếu nhập dăm gỗ, viên nén, ván công nghiệp… còn lại đồ mộc rất ít. Trong khi đó, thị trường trong nước không thể là chỗ dựa cho ngành sản xuất lớn được trong đó có dệt may, giày dép, đồ gỗ, tử bếp, bàn ghế…", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản nêu vấn đề.

Theo ông này, nhiều ý kiến cho rằng ngành gỗ chú trọng trong nước, song gỗ và bất động sản tác động tương hỗ lẫn nhau. Trong khi đó, sức tiêu dùng gỗ trong nước rất nhỏ, không thể "đỡ" cho doanh nghiệp gỗ. Nếu thị trường bất động sản không khởi sắc, thì thị trường đồ gỗ trong nước cũng không thể tăng trưởng được.

Đại diện VIFOREST nhấn mạnh: Doanh nghiệp ngành gỗ đang phải động viên nhau "cắn răng mà chịu" qua giai đoạn khó khăn bởi các đề xuất, giãn hoãn thuế Chính phủ đã thực hiện.

"Điều quan trọng là kỳ vọng vào thị trường nhập khẩu hồi phục; doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu tổ chức quản trị sản xuất và năng lực tài chính cho tốt để ứng phó với thời gian khó khăn kéo dài", vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem